Hai từ “ô nhiễm” không chỉ tìm thấy ở môi trường vật chất, không gian sống, đường phố, sông ngòi, thực phẩm; thực tế lâu nay, vấn đề ô nhiễm môi trường văn hóa đã được nhiều người cảnh báo. Thế nhưng, sự ngăn chặn và thanh lọc rác bẩn văn hóa bắt đầu từ đâu?
Ô nhiễm tràn lan
Một buổi họp phụ huynh lớp 8, nhiều ý kiến của các bậc cha mẹ đã lên tiếng lo ngại về chuyện nghiện game của con cái. Vài phụ huynh khác tỏ ra bức xúc hơn về bọn trẻ. Họ cảnh báo, chẳng những không dừng lại ở những trò chơi đánh đấm của những người hùng, các cô cậu còn vào các trang web đen, blog bạn bè để “tám chuyện” hot boy, hot girl. Rồi cũng từ những hình ảnh ảo trên mạng, lớp học có lúc đã tự dấy lên sóng gió, gây sự với nhau. Có em đầy tự hào, ra vẻ dân chơi khi được bạn bè gọi là hot boy nhưng cũng có em hết sức bực bội, phản ứng khi bị trêu chọc là hot girl.
Tạm ngừa bệnh cho con cái, có phụ huynh đã đặt máy tính ở khu trung tâm gia đình, để tất cả mọi người trong nhà đi qua, đi lại có thể kiểm soát tầm nhanh những vi phạm của các em. Thế nhưng, lúc các em lén đến các cửa hàng game online, liệu ai có thể để mắt ngăn ngừa được. Tại buổi tọa đàm khác, liên quan về đề tài phụ nữ và nữ quyền, một giáo viên trường T.V.Ơ. đã nêu lên khía cạnh giáo dục giới tính. Đôi khi các nhà xuất bản thiếu sự cẩn trọng khi dịch giới thiệu sách báo nước ngoài. Hiện tượng các em học sinh chuyền nhau quyển sách Rắn và khuyên lưỡi (nhà xuất bản Nhã Nam) đã được các thầy cô lên tiếng báo động, vì nội dung không phù hợp với đời sống văn hóa, giáo dục Việt Nam. Hơn thế nữa, nó có thể gây ô nhiễm môi trường văn hóa, tác hại xấu đến học sinh.
Bắt bệnh và giải pháp
Mổ xẻ nhiều trang web đen, phản cảm, làm lệch chuẩn văn hóa, có lẽ thời gian qua, nhiều báo, đài đã kịp thời lên tiếng phê phán. Các hội văn học, nghệ thuật TPHCM cũng tìm cách bắt bệnh sa sút chất lượng nghệ thuật, suy đồi đạo đức, ứng xử văn hóa quá tệ hại ở học đường, đường phố, lễ hội văn hóa, blog, thế giới ảo như một diễn đàn thư giãn, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống ở chiều hướng tích cực. Nhưng thật tác hại khi có người muốn bóp méo sự thật, chủ tâm sử dụng thế giới ảo thành công cụ thật, mượn dư luận công kích một cách vô tội vạ đối tượng mình thù ghét.
Một số hiện tượng chẳng gì hay ho nhưng lại nổi đình đám trong dư luận thời gian qua: nhiều người thật “chối” với hình ảnh “mát mẻ” của hai sinh viên trường FPT biểu diễn trước công chúng hay sự việc quay video clip một ca sĩ ăn mặc phản cảm, mượn Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM làm bối cảnh nghệ thuật hồi đầu năm nay đã bị dư luận phê phán, chê trách. Một nhà lý luận, phê bình mỹ thuật nhận định “sự nhầm lẫn, hoặc cố tình hiểu sai chủ nghĩa hậu hiện đại là gây sốc như thế, thật tai hại!”.
Ở lãnh vực phim ảnh, hiện trạng phát triển quá đà của phim truyện truyền hình liên quan đến tình hình quảng cáo phát sóng trên màn ảnh nhỏ, vừa qua đã được Ban Lý luận phê bình Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức hội thảo, “bắt bệnh” qua chuyên đề Chất lượng phim truyện truyền hình – thực trạng và giải pháp. Sự dễ dãi trong cơ chế duyệt phim, cung cách làm ăn “nhanh, rẻ, ẩu” đã gây ra tình trạng báo chí gọi là “thảm họa phim truyền hình”, được nhắc đến đầu bảng danh sách, có các phim Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật, Nợ đa tình…
Ở lĩnh vực âm nhạc, thảm họa rối loạn không kém với các ca khúc sáng tác khó nghe, phong cách ăn mặc hớ hênh, lập dị, phong cách biểu diễn quái chiêu xuất hiện nhan nhản ở các tụ điểm biểu diễn và trên một số kênh truyền hình! Theo ông Võ Trọng Nam, Phó GĐ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM thật đáng báo động, có trường hợp không được cấp phép lại xuất hiện trên một website âm nhạc, như ca khúc Người tôi yêu đồng tính với tôi!
Trước quá nhiều hiện tượng ô nhiễm đã báo động, những giải pháp để ngăn ngừa ô nhiễm văn hóa, ô nhiễm xã hội là cần tăng cường quản lý của các đơn vị có trách nhiệm; phải tôn trọng, tuân thủ pháp luật, có chế tài mạnh mẽ những vụ việc vi phạm… Nhưng có lẽ, trước tiên, điều đáng nói, cần có vai trò của những nhà phê bình, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà tâm lý - xã hội học, vai trò của báo chí trong việc định chuẩn, tuyên truyền, uốn nắn quan niệm lệch lạc về đạo đức, văn hóa.
Trong buổi họp báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và nêu phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011, Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, đã nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động lý luận phê bình ở các hội. Trên cơ sở này, nhà biên kịch Ngô Ngọc Ngũ Long, Trưởng ban Lý luận phê bình Liên hiệp các Hội VH-NT TPHCM, đã đưa ra đề án kết hợp cùng chương trình Tạp chí Văn nghệ HTV, thường xuyên mở diễn đàn bàn tròn; yêu cầu các Hội chuẩn bị kỹ đề tài, nêu những vấn đề bức xúc, để tạo sự thu hút, quan tâm, tham gia của nhiều ngành, nhiều giới cùng góp ý, xây dựng, chấn chỉnh, định hướng tốt cho công chúng về văn hóa, nghệ thuật. Đây cũng là một trong những hoạt động trước mắt, góp phần thanh lọc những ô nhiễm độc hại vào môi trường văn hóa Việt Nam.
Yên Ngọc