Chốt sổ BHXH, đem “cất tủ” 10 năm có sao không?

Sổ BHXH thể hiện quá trình đóng, mức tiền lương đóng BHXH; là bằng chứng về việc người lao động có đóng vào quỹ BHXH và đã được cơ quan BHXH thừa nhận. Theo quy định hiện hành, người lao động sẽ tự quản lý sổ BHXH ngay cả khi còn đang làm việc, khi không còn làm việc cũng tự giữ sổ BHXH của mình.
* Tôi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tổng cộng được 19 năm. Trong đó, có 4 năm làm ở Công ty J-Tex Vina (quận 9). Công ty nợ BHXH của tôi từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2016. Sau đó, Công ty J-Tex bán lại nhà xưởng cho Công ty Bumhyun, tôi tiếp tục làm việc ở đây và được đóng BHXH đến tháng 9-2016 rồi nghỉ. Giờ tôi đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có vấn đề là công ty cũ (J-Tex) nợ BHXH, tôi không được đóng BHXH liên tục trong giai đoạn trước khi nghỉ việc. Hiện nay, ông chủ công ty cũ J-Tex là người Hàn Quốc đã về nước, tôi và cả trăm công nhân không liên hệ được để chốt sổ BHXH. Vậy, tôi cần làm như thế nào để được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Sau khi công ty phá sản, công nhân tứ tán, tôi đang giữ sổ BHXH của khoảng 100 công nhân, tôi cần làm gì với các sổ BHXH này?
(công nhân ĐỖ THỊ MÀU, tạm trú quận 9, TPHCM) 
- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bà không đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc. Hơn nữa, nay bà đã nghỉ việc hơn 1 năm, đã quá thời hạn để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do bà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp nên quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng sẽ được bảo lưu và cộng dồn vào thời gian sau này nếu bà tiếp tục đóng.
Đối với những sổ BHXH của người lao động nghỉ việc sau 12 tháng không đến nhận sổ, bà vui lòng chuyển trả cho BHXH quận 9 để chốt sổ, lưu giữ.  
* Tôi là nữ, năm nay 47 tuổi, đã đóng BHXH được 25 năm. Nếu tôi không tham gia BHXH nữa thì đến khi tôi 55 tuổi, mức lương hưu được hưởng là bao nhiêu?
(LÊ NGỌC PHƯƠNG, email phươngle...@gmail.com)
- Lương hưu được tính trên cơ sở là mức đóng, thời gian đóng BHXH của người lao động, ngoài ra còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước tại thời điểm người lao động nghỉ hưu. Căn cứ quy định hiện nay và thông tin bà cung cấp, cơ quan BHXH chỉ có thể tính tỷ lệ lương hưu bà được nhận là 65%. Các thông tin chi tiết hơn, do không đủ dữ liệu, tôi không tính cụ thể giúp bà được. 
* Tôi nam giới, 44 tuổi, vừa xuất ngũ. Trước đó, tôi vào ngành công an và đã được ngành đóng BHXH 19 năm 9 tháng. Giờ tôi cần làm gì để có lợi nhất: nên hưởng BHXH một lần hay đợi hưởng lương hưu? Nếu trường hợp hưởng lương hưu có lợi hơn, thì bao giờ được hưởng? Tôi cứ giữ sổ BHXH và sổ để lâu như vậy thì sau cả chục năm, sổ BHXH còn giá trị không?
(Bạn đọc có số điện thoại 0974 442…)
- Anh năm nay mới 44 tuổi, tham gia BHXH ngành công an được 19 năm 9 tháng, đối chiếu với quy định hiện hành thì anh chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 60 tuổi và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm). Nếu không tiếp tục tham gia BHXH, anh có thể chọn nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, anh nên tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu vì sẽ có lợi hơn nhận BHXH một lần.
Sổ BHXH thể hiện quá trình đóng, mức tiền lương đóng BHXH; là bằng chứng về việc người lao động có đóng vào quỹ BHXH và đã được cơ quan BHXH thừa nhận. Theo quy định hiện hành, người lao động sẽ tự quản lý sổ BHXH ngay cả khi còn đang làm việc. Khi không còn làm việc, anh cũng tự giữ sổ BHXH của mình. Trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu 1 tháng, anh mang sổ BHXH tới cơ quan BHXH làm thủ tục hưởng lương hưu.

Tin cùng chuyên mục