Chủ động vực dậy chợ truyền thống

Đứng trước sự ế ẩm, “bài toán” vực dậy chợ truyền thống gồm vừa kinh doanh, vừa khai thác du lịch thu hút khách đến TPHCM, đang được các đơn vị liên quan nỗ lực thực hiện.

Kiên trì bám trụ

Khác với những năm trước, để vào được chợ An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6), Bến Thành (quận 1)…, khách phải chen lấn mệt nhoài. Còn nay, việc mua sắm hàng hóa tại các chợ khá dễ dàng, lối đi rộng thênh thang và chả ai chen lấn, tiểu thương thì thảnh thơi ngay cả ở khung giờ lẽ ra buôn bán nhộn nhịp, bận rộn nhất.

Vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, lượng khách đến tham quan, mua sắm ở chợ An Đông (quận 5) tăng hơn ngày thường, nhưng theo các tiểu thương, nếu so với vài năm về trước thì “khách đến không đáng kể”. Rảo quanh các tầng lầu máy lạnh mát rượi, chúng tôi chứng kiến cảnh tiểu thương xúm lại từng nhóm nhỏ 2-3 người để “tám chuyện”.

“Thời điểm này của những năm trước, khách mua nhộn nhịp; còn hiện tại, cả tầng lầu rộng lớn chưa tới chục người tham quan, hỏi giá”, chị Ngọc Hạnh, tiểu thương kinh doanh quần áo thời trang tại chợ An Đông cho hay. Ngay khu vực lầu 2, lầu 3, hàng chục sạp hàng đóng cửa, treo biển cho thuê do kinh doanh ế ẩm. Một số tiểu thương cho biết, sức mua tại sạp giảm 50%-70% so với thời hưng thịnh, thậm chí có sạp giảm tới hơn 80%.

Chợ Bình Tây (quận 6) cũng rơi vào cảnh người bán nhiều hơn người mua và chỉ thực sự sôi động vào dịp cận lễ, tết... Trưa một ngày cuối tuần, cả dãy quầy hàng bánh kẹo, thực phẩm trong khu vực nhà lồng chợ thưa thớt người mua, còn lại là tiểu thương, nhân viên phụ việc…

Tiểu thương chợ Bình Tây chờ đợi khách mua hàng

Tiểu thương chợ Bình Tây chờ đợi khách mua hàng

Bà Ứng Thị Liên, tiểu thương kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, gắn bó với chợ hơn nửa thế kỷ, chỉ vào quầy sạp kinh doanh èo uột, nói: “Có ngày lời chưa tới vài chục ngàn đồng, nhưng bỏ nghề thì nhớ. Gắn bó với công việc này đã lâu, nên khó khăn thế nào tôi cũng gắng bám trụ”. Nhẩm tính, với chi phí vận chuyển hàng hóa, tiền công nhân viên, điện nước…, tiêu tốn của bà Liên hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nếu không vì đam mê công việc, chắc chắn bà Liên đã “nghỉ hưu” từ lâu.

Cách sạp này chục bước chân, hàng loạt sạp đóng cửa, treo biển cho thuê… Thống kê sơ bộ từ Ban Quản lý chợ Bình Tây, hiện có khoảng 384/2.358 sạp ngừng bán hàng, trong khi vào năm 2019 là 294 sạp ngưng kinh doanh.

Tại chợ Bến Thành (quận 1), lượng khách đến tham quan, ăn uống được tiểu thương ghi nhận là nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị các đơn hàng mua sắm không bằng thời điểm trước dịch Covid-19...

Quảng bá đa kênh, giao hàng tận nơi…

“Nhanh nhạy, thích ứng tốt” chính là lời khen của ban quản lý dành cho một số tiểu thương tại các chợ truyền thống nói trên. Bởi thực tế, nhiều tiểu thương đã chủ động “bắt nhịp”, chuyển hướng kinh doanh online song song với bán hàng trực tiếp, giao hàng tận nơi… Chị Lan Anh, tiểu thương chợ Bến Thành nói, buôn bán online mạnh lên, thường xuyên giao đặc sản như bánh kẹo, trái cây, khô các loại tận nơi cho khách ở tỉnh hoặc Việt kiều Australia, Canada, Mỹ…

Để tự “cứu mình”, nhiều ban quản lý chợ cũng “xông pha” hỗ trợ bà con. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Trung tâm TMDV An Đông (còn gọi là chợ An Đông) cho biết, Phòng Kinh tế quận 5 đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cho thương nhân ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng trên TikTok, Zalo, Facebook, livestream… Thêm nữa, ban quản lý chợ liên hệ các YouTuber có lượt xem lớn đến quay clip giới thiệu tổng thể toàn chợ và chia sẻ trực tiếp trên kênh của họ. Sau đó, đã có rất nhiều khách hàng tìm đến tham quan, mua sắm.

Tương tự, Ban Quản lý chợ Bến Thành cho hay, thường xuyên vận động tiểu thương hưởng ứng các chương trình khuyến mãi tập trung do Sở Công thương TPHCM phát động, với mức giảm giá từ 5%-30% (tùy mặt hàng), nhằm kích cầu mua sắm. Thêm nữa, các tiểu thương tại chợ cũng áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR, thanh toán qua máy POS... khá tiện lợi. Chính các phương thức thanh toán đa dạng, có thêm khuyến mãi đã góp phần gia tăng lượng khách mua sắm.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Phương, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây kể, ban quản lý luôn đồng hành cùng tiểu thương trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mãi lực… Ngoài áp dụng công nghệ thông tin vào bán hàng trực tuyến, ban quản lý chợ đã giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước các sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng như túi vải thời trang, bộ tách trà, ly thủy tinh có in hình hoặc khắc họa tiết chợ Bình Tây…

Hiện tại, quận 6 lên đề án phát triển du lịch đêm nhằm mang lại nhiều trải nghiệm mới cho du khách với các món ăn đặc trưng khu vực Chợ Lớn, trong đó chợ Bình Tây đóng vai trò trung tâm. Đề án Phố đêm Chợ Lớn dự kiến tổ chức trên các tuyến đường xung quanh chợ Bình Tây, hoạt động từ 18 giờ hàng ngày tại vỉa hè 4 tuyến đường Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình với 8 khu chức năng, buôn bán các mặt hàng ăn uống đặc trưng của người Hoa, thời trang, đồ lưu niệm, đồ công nghệ…

Hiện tại, Sở Công thương TPHCM cũng như Sở Du lịch TPHCM đã có kế hoạch đưa các chợ truyền thống gồm An Đông, Bình Tây... làm điểm nhấn để đón du khách. Theo đó, các chợ truyền thống cần tạo dựng cho mình nét đặc trưng, dễ nhớ để hút khách. Song song đó, thái độ phục vụ đối với khách rất quan trọng, cần chỉn chu từng chút một và trên hết các chuyên gia du lịch khuyến cáo, đón khách tại các chợ truyền thống rất cần sự ổn định, hướng tới bền vững.

Tin cùng chuyên mục