

Từ ngày 11-1-2007, các rạp phim ở Đức sẽ chiếu một bộ phim hài, kể trùm phát xít Adolf Hitler là một tay nghiện thuốc an thần, vừa tắm vừa tiêu khiển với một chiếc tàu chiến đồ chơi trong bồn tắm, mặc quân phục Nazi cả cho con chó cưng rồi dạy nó thực hiện động tác chào “Hai-lơ Hitler”.
Bộ phim Ngài Quốc trưởng của tôi, sự thật thật nhất về Adolf Hitler (Mein Fuehrer, The Truly Truest Truth about Adolf Hitler) dài 90 phút, có bối cảnh bắt đầu từ cuối năm 1944, khi Berlin gần như tan hoang và quân Đồng minh đang tiến đến gần sào huyệt cuối cùng của Hitler. Lúc đó, Hitler đang cố thủ trong pháo đài ngầm và rất tuyệt vọng vì thua trận, nhận ra mình không còn có thể đọc diễn văn “hoành tráng” để “hớp hồn” người Đức nữa.
Đây cũng là kịch bản của phim Sụp đổ (Downfall, từng được đề cử Oscar 2004 của đạo diễn Oliver Hirschbiegel), vốn mở đầu khuynh hướng mô tả con người thật của Hitler trong 10 ngày cuối cùng, thay cho hình ảnh một nhà hùng biện. Nhưng tránh kiểu làm phim thật buồn của Sụp đổ, Ngài Quốc trưởng… được thực hiện bằng thủ pháp hài.
Nội dung: một diễn viên Do Thái là Adolf Gruenbaum được kéo khỏi một trại tập trung, để huấn luyện và kích động Hitler sáng tác một bài diễn văn quan trọng. Gruenbaum tính giết Hitler nhưng không thành. Ông ta chuyển qua ép Hitler chịu đựng những bài tập mang tính bêu riếu, chẳng hạn khiến Hitler bò loăng quăng và “sủa” như một con chó, trở thành một “em bé đái dầm” và bất lực…
Rồi một thợ hớt tóc vô ý xén đứt một nửa hàm ria của Hitler khiến trùm phát xít nổi cáu, quát tháo đến độ “tắt tiếng”. Tay diễn viên phải gánh nhiệm vụ đọc diễn văn - Hitler chỉ “nói nhép” - và anh ta “nói cương” khiến Hitler trở thành một gã hề.
Đạo diễn phim là Dani Levy, 49 tuổi, người Thụy Sĩ gốc Do Thái, sống tại Berlin từ năm 1980. Levy nói ông chịu ảnh hưởng từ giả thiết “Hitler có vấn đề về thể chất và ý chí từ bé” của nhà tâm thần học Alice Miller công bố năm 1980. Một cảm hứng khác cho Levy là một đầu sách của Paul Devrient, một người Đức từng hướng dẫn Hitler ăn nói trước đám đông. Phim chưa chiếu và khán giả chưa có ý kiến cho biết Levy có thành công trong những mục tiêu của ông khi làm phim này hay không. Nhưng báo giới Đức đã tranh luận nhiều về Ngài Quốc trưởng… Họ thắc mắc liệu thiếu nhi Đức sẽ hiểu thế nào về Hitler khi chúng chỉ nhớ đến bộ phim hài này.
Ngài Quốc trưởng… được xem là một đột phá của điện ảnh Đức, khi sử dụng thủ pháp phim hài. Đây cũng là một cách để thể hiện nước Đức ngày nay là một quốc gia bình thường, không còn bị ám ảnh và cảm giác xấu hổ về thời phát xít nữa. Vài chục năm trước, điện ảnh Đức thường né đề tài Hitler vì hai lý do này.
Diên Hy (tổng hợp)