Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM Dương Cẩm Thúy: Làm phim phải hướng về khán giả

Đại hội Hội Điện ảnh TPHCM vừa kết thúc, bà Dương Cẩm Thúy tiếp tục tái đắc cử chức danh Chủ tịch hội. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Dương Cẩm Thúy về công tác hội và những trăn trở về đội ngũ sáng tác và làm phim.
Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM Dương Cẩm Thúy: Làm phim phải hướng về khán giả

Đại hội Hội Điện ảnh TPHCM vừa kết thúc, bà Dương Cẩm Thúy tiếp tục tái đắc cử chức danh Chủ tịch hội. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với bà Dương Cẩm Thúy về công tác hội và những trăn trở về đội ngũ sáng tác và làm phim.

Bà Dương Cẩm Thúy (bìa phải) trong một hoạt động do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức

- Phóng viên: Là Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, bà nhận thấy Hội đã thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho hội viên?

>> Bà DƯƠNG CẨM THÚY: Hội viên có thể tin cậy ở hội vì hội luôn hết lòng vì hội viên, không có mục đích khác, còn nói thực sự tin cậy thì đó là ao ước của chúng tôi. Một điều khó đặt ra cho hội là trách nhiệm, nhiệt tình tham gia sinh hoạt hội cũng như hiểu biết về hội của hội viên không đồng đều. Một cái khó nữa là sự kết nối, liên lạc giữa hội và hội viên. Chúng tôi thấy buồn khi nhiều hội viên vắng mặt tại đại hội hay buổi họp mặt cuối năm.

- Trong tình hình xã hội hóa điện ảnh hiện nay, có ý kiến cho rằng, vai trò của hội trong các hoạt động nghề nghiệp không được phát huy tối đa, nhiều người đang hoạt động nghề nghiệp không tha thiết với việc trở thành hội viên?

TPHCM là nơi xuất phát những mô hình, cách làm ăn mới, trong đó có điện ảnh. Hàng chục năm nay, tại thành phố này, nhiều bộ phim đã được sản xuất, phát hành bằng vốn không phải của nhà nước, kể cả lĩnh vực phát hành phim, chiếu bóng và xuất nhập khẩu phim. Việc xã hội hóa không mâu thuẫn với hoạt động của hội, ngược lại càng có nhiều hãng phim, tổ chức tham gia làm phim, càng nhiều người hoạt động trong lĩnh vực làm phim thì càng cần tới một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp như hội. Vấn đề là hội hoạt động ra sao để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và các cá nhân làm phim.

Còn nói vai trò của hội trong các hoạt động nghề nghiệp không được phát huy tối đa, nhiều người hoạt động nghệ thuật không tha thiết  trở thành hội viên của hội thì chưa chính xác. Tham gia tổ chức hội là việc tự nguyện, thấy cần, thấy có ích thì tham gia, chưa cần thì thôi, chứ cũng không nhất thiết tất cả những ai làm phim đều phải là hội viên.

- Điều gì khiến bà trăn trở nhất trong nhiệm kỳ mới?

TPHCM luôn là một trung tâm điện ảnh của cả nước. Hoạt động điện ảnh của thành phố có rất nhiều tiềm năng, từ lực lượng sáng tác, đội ngũ làm phim cho đến công chúng. Tuy nhiên, điện ảnh thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ làm phim phân tán, cho đến cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập. Nhưng không vì thế mà công chúng không đòi hỏi chúng ta phải có những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng được nâng cao. Điều đó làm cho người làm phim phải suy nghĩ. Và người làm công tác hội cũng phải suy nghĩ. Làm sao hội có thể góp sức để có nhiều phim tốt cho khán giả.

Tôi rất lo về số lượng và chất lượng đội ngũ sáng tác, làm phim kể cả của điện ảnh và truyền hình khi mà đội ngũ làm phim mà ta hay gọi là thế hệ vàng, nay đã lớn tuổi. Đội ngũ đang làm nghề hiện nay được đào tạo chủ yếu trong nước, một số học từ nước ngoài về và một số khác tự học, tự làm đang phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, nhìn chung, lực lượng làm phim hiện đang rất thiếu và nhu cầu về đội ngũ làm phim rất lớn. Với khối lượng phim phải sản xuất hàng năm hiện nay của điện ảnh và truyền hình, ở TPHCM, đội ngũ, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có không đủ và cũng chưa có sự chuyển động có tính đột phá trong thời gian tới. Vấn đề đào tạo trở nên rất cấp bách, cần được quan tâm và thực hiện tích cực hơn nữa.

- Có ý kiến nói rằng, một số phim điện ảnh và truyền hình hiện nay có nội dung và được thực hiện quá dễ dãi khiến người xem quay lưng với phim ảnh trong nước?

Đúng vậy. Nhiều phim truyện điện ảnh cũng như truyền hình nhiều tập hiện nay đáng báo động về cung cách làm phim cũng như nội dung quá dễ dãi, chạy theo thị hiếu tầm thường, xóa nhòa các tiêu chí nghệ thuật, chưa chú trọng chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, chỉ thiên về giải trí thuần túy. Một số nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận. Các người mẫu, ca sĩ không hề qua các trường lớp đào tạo, không hề có kinh nghiệm hay khả năng diễn xuất, được nhận vai và qua một, hai  phim bỗng trở thành các “ngôi sao điện ảnh” do công nghệ quảng cáo.

Nguyên nhân của tình trạng phim xuất xưởng một cách ào ạt, số đầu phim tăng vọt mà chất lượng phim kém là do mở kênh, mở đài không theo quy hoạch, không quản lý được chất lượng nội dung cũng như kỹ thuật. Vì cần có phim để lấp chương trình, để thu hút quảng cáo nên số lượng tập phim làm ra tăng vọt, trong lúc chưa đủ thực lực. Chất lượng của phim điện ảnh do nhà nước đầu tư, tài trợ không cao, không tương xứng với số tiền bỏ ra, có một phần do các đạo diễn thiếu vốn sống, thiếu cảm xúc sáng tác hay do những nguyên nhân nào khác thì hội và những người làm phim cũng cần tìm lời giải để khắc phục.

Công tác lý luận phê bình chưa mạnh, chưa bám sát kịp thời thực tiễn sáng tác, đội ngũ làm lý luận phê bình đang rất thiếu nên cũng không hỗ trợ được cho việc nâng cao chất lượng phim.

Trách nhiệm của người làm phim, nghệ sĩ là phải sáng tác những tác phẩm bảo đảm những chuẩn mực về nội dung, nghệ thuật, tính thẩm mỹ, giáo dục, có triết lý nhân sinh, số phận con người…

- Xin cảm ơn bà!

Theo bà Dương Cẩm Thúy, từ nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư sáng tác của thành phố, Hội Điện ảnh TPHCM đã mở cuộc vận động sáng tác kịch bản phim về các đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng và bảo vệ TPHCM”... Nhưng một vấn đề nảy sinh là vận động sáng tác kịch bản nhưng không làm thành phim thì cũng vô ích. Hội cần có kế hoạch chọn những kịch bản tốt từ các cuộc vận động sáng tác, xin nguồn đầu tư để làm phim.

Về việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện ảnh thì hội có thể tổ chức hội thảo, các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn để bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên… Tăng cường xã hội hóa các lớp học, khóa học dạng này.

Như Hoa (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục