Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội thăm Thái Lan

9 giờ 50 sáng 16-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội thăm Vương quốc Thái Lan, tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan đến 19-11. 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội thăm Thái Lan ảnh 1 Chủ tịch nước Chủ tịch nước lên chuyên cơ rời Hà Nội đến sân bay Không quân Hoàng gia Thái Lan 

Dự kiến, khoảng 11 giờ 30, chuyên cơ của Chủ tịch nước đến sân bay Không quân Hoàng gia Thái Lan. 16 giờ diễn ra lễ đón chính thức và ngay sau đó Chủ tịch nước có cuộc hội đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha. Tiếp đó, Chủ tịch nước chứng kiến lễ ký kết và trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai nước. 17 giờ 30, Chủ tịch nước gặp gỡ báo chí. 18 giờ, Chủ tịch nước cùng Thủ tướng Thái Lan tham quan gian trưng bày các sản phẩm thủ công của Thái Lan.

Đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đến Vương quốc Thái Lan sau 24 năm kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 1998 và gần 10 năm sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Thái Lan sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam -Thái Lan ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Thái Lan và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau. Hiện Thái Lan là quốc gia đầu tư lớn thứ 8 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 700 dự án, tổng vốn trên 13 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ cao, năng lượng, bán lẻ, nông nghiệp, môi trường, tài chính - ngân hàng, điện tử, điện lạnh, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi... đặc biệt gần đây có xu hướng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. 

Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt khoảng 19 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10,6 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của ta sang Thái Lan trung bình đạt khoảng 7 tỷ USD một năm. Việt Nam thuộc tốp đầu các thị trường xuất khẩu của Thái Lan. Hai nước đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 25 tỷ USD vào năm 2025.

Việt Nam có 17 dự án đầu tư sang Thái Lan, vốn đăng ký 32,8 triệu USD, đứng thứ 33/79 quốc gia/vùng lãnh thổ. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ.

Về lao động, hai bên đã ký bản ghi nhớ về hợp tác lao động và thỏa thuận về việc tuyển dụng lao động (7-2015); đang thúc đẩy mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam sang Thái Lan. 

Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan. Việt kiều tại Thái Lan có khoảng 100.000 người, hòa nhập tốt ở sở tại và hướng về quê hương đất nước.

Nhằm bảo đảm an ninh, Thái Lan huy động hơn 20.000 nhân viên an ninh để bảo vệ an toàn cho các sự kiện, tháp tùng lãnh đạo các nền kinh tế. Nhiều tuyến đường, nút giao thông, nhà ga Metro, tàu điện quan trọng của TP Bangkok và hai tỉnh lân cận Nonthaburi và Samut Prakan hạn chế hoặc tạm ngưng hoạt động, trong những ngày diễn ra sự kiện các thiết bị bay không người lái bị cấm hoàn toàn. 

Tin cùng chuyên mục