Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đổi mới cách làm và bộ máy phòng chống tham nhũng

Chiều 28-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các ĐBQH Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước đơn vị 1 đã tiếp xúc với đông đảo cử tri quận 1, TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, đồng thời lắng nghe kiến nghị của cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đổi mới cách làm và bộ máy phòng chống tham nhũng

(SGGP). – Chiều 28-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các ĐBQH Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước đơn vị 1 đã tiếp xúc với đông đảo cử tri quận 1, TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, đồng thời lắng nghe kiến nghị của cử tri.

Nhiều cử tri đánh giá kỳ họp Quốc hội vừa qua có nhiều đổi mới, dân chủ và trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, cử tri cũng băn khoăn và kiến nghị Quốc hội có biện pháp giải quyết những vấn đề tồn tại như: công tác xây dựng luật, tình trạng tham nhũng, lạm phát, ùn tắc và tai nạn giao thông… Song song đó, cử tri cũng đề nghị sớm đánh giá lại mô hình thí điểm bí thư đồng thời chủ tịch, khẩn trương có giải pháp đối với tình trạng cướp giật, đua xe trái phép…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Tôi hứa sẽ không thiếu trách nhiệm đối với kiến nghị của bà con cử tri. Tất cả ý kiến đều được quan tâm, lắng nghe…”, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định.

Chia sẻ với cử tri về những khó khăn trong đời sống do tình hình kinh tế chung của đất nước, đồng chí cho rằng năm 2011 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhưng nhiều khó khăn xảy ra ngay trong quý 1, Chính phủ đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tốc độ tăng trưởng phù hợp, an sinh xã hội giữ được ổn định trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, tình hình lạm phát đã được kiểm soát dần với quyết tâm năm 2012 đưa chỉ số lạm phát xuống còn 1 con số.

Theo đồng chí Trương Tấn Sang, thời gian qua Việt Nam đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững được môi trường hòa bình để xây dựng đất nước. Tình hình tranh chấp trên biển Đông tuy diễn biến phức tạp nhưng hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí... vẫn diễn ra bình thường.

Xung quanh chất lượng lập pháp, đồng chí Trương Tấn Sang nhận định có sự khập khiễng vì rất nhiều luật đã ban hành nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Đồng chí khẳng định chống tham nhũng là vấn đề quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, đổi mới cách làm và bộ máy làm công tác phòng chống tham nhũng để phù hợp với tình hình mới. Dù trong bối cảnh nợ công đang cao, nhưng để giải quyết nạn ùn tắc giao thông vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và thay đổi cơ chế tài chính một cách hết sức căn bản.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc cử tri Trường ĐH Luật TPHCM. Trường ĐH Luật TPHCM cho biết đã đưa vào giảng dạy chương trình Cử nhân luật chất lượng cao (thêm nhiều môn học mới và giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh).

Tuy nhiên, hai ngành học không được xã hội chọn học nhưng cần thiết cho quản lý xã hội (hình sự và hành chính) thì không có chi phí để mở các lớp chất lượng cao, do vậy đề nghị cho ĐH Luật TPHCM được thu tiền những ngành học mà xã hội chọn học để có thể bù cho chi phí mở các lớp chất lượng cao hai ngành trên; đề nghị Bộ GD-ĐT có tiêu chí hợp lý trong việc phân công nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho trường; đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm phê duyệt quy hoạch 1/500 khu đất của trường tại phường Long Phước, quận 9 và thực hiện các thủ tục giao đất để trường tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư...

Chủ tịch nước đề nghị với vai trò, chức năng, vị trí là trường ĐH trọng điểm quốc gia, ĐH Luật TPHCM cần mạnh dạn tháo bỏ những rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực đào tạo của nhà trường. Chủ tịch nước đồng thời mong ĐH Luật TPHCM sẽ đóng góp xứng đáng vào công cuộc sửa đổi Hiến pháp 1992, một việc làm hết sức cần thiết và hệ trọng của đất nước.

Ngày 28-11, các ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Ngô Ngọc Bình, Trương Thị Ánh đã tiếp xúc với cử tri 10 phường của quận 7 TPHCM. Cử tri đã phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm ồ ạt hiện nay đang làm tăng thêm gánh nặng phụ huynh, đồng thời ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em nhưng chậm được khắc phục. Một phần nguyên nhân cũng vì một số địa phương quản lý còn lỏng lẻo, giáo viên vẫn còn tâm lý vụ lợi trong dạy thêm và quan trọng hơn là công tác kiểm tra giám sát còn bất cập, chưa hiệu quả. Cử tri đề nghị ĐBQH cần tăng cường giám sát tình trạng lạm phát trường đại học đang diễn ra ồ ạt, chất lượng đào tạo ngày càng giảm sút…

Cùng ngày, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cùng các thành viên thuộc đoàn ĐBQH TP Cần Thơ (đơn vị số 3) đã có buổi tiếp xúc cử tri tại 2 huyện Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt để thông báo những kết quả nổi bật của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc. Nhiều cử tri đã kiến nghị với đoàn ĐBQH về biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chấm dứt các hiện tượng tiêu cực và bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Ngoài ra, cử tri cũng thể hiện mối quan tâm tới vấn đề chủ quyền biển đảo, hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống bà con vùng sâu vùng xa, chính sách bình ổn giá, hỗ trợ lực lượng cán bộ bán chuyên trách cấp cơ sở...

Cùng ngày, các ĐBQH TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và cử tri các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng. Cử tri đề nghị Quốc hội cần xem xét và có biện pháp xử lý kiên quyết tình trạng tai nạn giao thông, xem đây như là quốc nạn. Nhiều cử tri tỏ ra bất bình trước việc Bộ Công thương cho nhập muối sản xuất công nghiệp thành muối ăn, khiến ngành muối Việt Nam lao đao và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tình trạng giá xăng dầu liên tục biến động theo chiều hướng tăng lên, nhưng khi giá thế giới giảm lại không điều chỉnh kịp thời… 

NHÓM PV

Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm
 

Tối 28-11, đồng chí Trương Tấn Sang đã có buổi gặp gỡ hơn 200 sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng sinh viên về cuộc sống và những hoài bão của những trí thức trẻ. Trả lời câu hỏi của sinh viên liên quan đến biển Đông, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: Biển Đông đang là một trong những vấn đề trọng điểm của khu vực. Chúng ta sẽ tích cực giải quyết vấn đề này dựa trên luật pháp quốc tế. Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm và bất khả phân.

Về chiến lược tư pháp sắp tới, Chủ tịch nước cho biết: Chúng ta quyết tâm xây dựng nền tư pháp công minh và liêm chính. Hy vọng chính các bạn thanh niên ngồi đây sẽ là những người bảo vệ sự liêm chính của tư pháp trong tương lai. Về vai trò của luật sư trong tranh tụng tại tòa, Chủ tịch nước cho biết, trong cải cách tư pháp, hoạt động tòa án là trung tâm và vai trò luật sư trong tranh tụng tại tòa giữ một vị trí không kém phần quan trọng. Để làm tốt công việc của mình, mỗi luật sư phải tự nâng trình độ chuyên môn song song với ý thức rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Trước câu hỏi của một sinh viên về việc gia đình không phải là cách mạng nòi, nhưng muốn được tham gia chính trường, Chủ tịch nước nhắn nhủ: Chế độ ta không có chủ trương “cha truyền con nối”. Điều quan trọng của mỗi con người hôm nay là phấn đấu thế nào, đã đóng góp những gì cho Tổ quốc. Hãy đặt mình vào đúng vị trí của một thanh niên trí thức thế hệ mới để sống tốt, nỗ lực phấn đấu cùng đất nước bằng đôi chân vững vàng và ý chí sắt đá. Khi đó, công sức các bạn sẽ được xã hội công nhận…

P.THỤC  

Tin cùng chuyên mục