Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Người dân cứ an lòng ở TPHCM, tất cả trường hợp khó khăn sẽ được hỗ trợ

Đến nay (9-8), tròn 1 tháng TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với PV Báo SGGP, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố dùng mọi nguồn lực từ ngân sách, nguồn vận động từ xã hội, hỗ trợ của các địa phương bạn, thậm chí từ quỹ dự phòng ngân sách để đảm bảo đời sống của người dân. Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội này để người dân an tâm “ai ở đâu thì ở đó”.

Vẫn hỗ trợ ngay khi kinh phí vượt dự kiến

* PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, sau 30 ngày giãn cách, đồng chí có thể cho biết vấn đề trọng tâm hiện nay TPHCM đang tập trung?

* Đồng chí NGUYỄN THÀNH PHONG: 30 ngày qua là khoảng thời gian rất khó khăn, gian nan mà TPHCM đã và đang phải trải qua. Những nỗ lực của thành phố đã có những tín hiệu tích cực sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách ở các cấp độ, được Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá là đã đi đúng hướng và có hiệu quả.

Thành phố đã dần kiểm soát được số ca mắc Covid-19, tốc độ tăng F0 bình quân/ngày đã giảm. Hệ số lây nhiễm cũng giảm đáng kể ở mức 0,78 (trong khi thời điểm đầu tháng 5-2021 là 3-3,5; đầu tháng 7-2021 là 1,7-2). Số F0 được điều trị thành công ngày càng nhiều. Kết quả trên cho thấy việc thực hiện Chỉ thị 16 đã có hiệu quả và dịch bệnh đang được kiểm soát. Dù vậy, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, nguy hiểm đã làm dịch bệnh thấm sâu vào cộng đồng và tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn diễn biến rất phức tạp, có thể kéo dài.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Người dân cứ an lòng ở TPHCM, tất cả trường hợp khó khăn sẽ được hỗ trợ ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tặng quà hộ nghèo tại “vùng xanh” hẻm 1942 đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Hiện có hai vấn đề lớn mà thành phố đang tập trung. Nhiệm vụ quan trọng nhất, bên cạnh việc tiếp tục giảm các ca F0 là tập trung nâng cao năng lực điều trị và giảm tử vong.

Thứ hai là sau thời gian dài thực hiện giãn cách, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp lại, nhiều người dân từ 2 tháng qua đã không đi làm, không có thu nhập và tích lũy cá nhân đã cạn dần.

Điều này đặt ra yêu cầu và cũng là trách nhiệm của lãnh đạo TPHCM là phải kịp thời đảm bảo cung ứng hàng hóa, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua đó nhằm giúp người dân an tâm “ai ở đâu thì ở đó”, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau như chỉ đạo Thủ tướng.

* Cụ thể vấn đề an sinh xã hội đối với những người dân có hoàn cảnh khó khăn được thành phố thực hiện ra sao?

* Chúng tôi rất thấu hiểu với những nỗi gian truân mà người dân đã gặp phải trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Chia sẻ từ tấm lòng, đồng thời là thực hiện trách nhiệm đối với người dân, tháng 7-2021, TPHCM đã chi hơn 514 tỷ đồng hỗ trợ người dân từ ngân sách thành phố.

Cùng với đó là sự chung tay từ cộng đồng người dân, doanh nghiệp (DN) ở thành phố, sự tương trợ từ các tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào với tổng kinh phí, hàng hóa hỗ trợ đến nay là hơn 2.220 tỷ đồng.

"Các giải pháp có thể thay đổi cho phù hợp tình hình thực tế, nhưng không gì có thể quan trọng hơn sinh mạng người dân vào lúc này"
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Tôi cũng vừa ký quyết định thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, từ ngày 6 đến ngày 10-8, thành phố tiếp tục triển khai khẩn trương gói hỗ trợ thứ 2 với quy mô dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, hỗ trợ gần 334.200 lao động tự do, gần 52.600 hộ nghèo, 38.000 hộ cận nghèo và khoảng 170.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân…

Thực tế, số lượng người được hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều. Thành phố vẫn tiếp tục hỗ trợ cả trong trường hợp kinh phí vượt dự kiến. Để việc hỗ trợ sớm đến tay người dân, phải có trách nhiệm rất lớn của chính quyền và MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Nếu để người dân rơi vào hoàn cảnh cùng cực, thiếu ăn, thiếu mặc thì người đứng đầu của chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.

Tính mạng người dân là quan trọng nhất

* TPHCM có không ít người lao động từ các tỉnh đến sinh sống, làm việc, học tập, để mọi người an tâm “ai ở đâu thì ở đó”, chúng ta hỗ trợ như thế nào?

* Chúng tôi xác định tất cả người sinh sống trên địa bàn TPHCM cũng đều là người dân của TP này. Do đó, mọi người dân sinh sống trên địa bàn TP, khi khó khăn có thể liên hệ đường dây nóng qua Tổng đài 1022 hoặc đường dây nóng của địa phương để được hỗ trợ. Trong 2 tuần giãn cách đầu tháng 8-2021, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu dự kiến phát hơn 266.000 phần an sinh xã hội hỗ trợ người dân.

Ngày 8-8, Bộ Tư lệnh TPHCM bắt đầu cao điểm trao tặng 100.000 phần quà giúp người dân. Gói hỗ trợ lần 2 của TP cũng sẽ hỗ trợ ngay 1,5 triệu đồng đối với người lao động tự do, các hộ gia đình ở trọ có hoàn cảnh khó khăn.

Thành phố dùng mọi nguồn lực từ ngân sách, nguồn vận động của MTTQ, các đoàn thể, từ sự chung tay của người dân, DN và các tỉnh, thành, địa phương bạn, thậm chí từ quỹ dự phòng ngân sách để đảm bảo đời sống của người dân. Tất cả người dân có mặt ở TP lúc này, bất cứ ai gặp khó khăn về lương thực thực phẩm, TP đảm bảo cung cấp cho người dân trong những ngày giãn cách.

Đại diện lãnh đạo TPHCM đến thăm, tặng quà các hộ dân khó khăn khu vực “vùng xanh” tại quận Phú Nhuận. Ảnh: ĐÌNH LÝ

* Dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, có thể kéo dài thì mục tiêu quan trọng nhất của TP trong lúc này là gì, thưa đồng chí?

* Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng và hẳn nhiên là không có sự phân biệt khi tiêm chủng. Chúng tôi mong người dân cứ an lòng ở lại TPHCM và TP không để ai rơi vào hoàn cảnh thiếu ăn, khốn khổ vì dịch Covid-19 tác động.

Dịch bệnh có thể diễn biến còn phức tạp, do đó tôi đề nghị tất cả người dân, DN đồng lòng cùng chính quyền TP thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Mục đích cao nhất là làm sao khống chế dịch bệnh sớm nhất có thể, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người dân, giảm thiệt hại về kinh tế. Các giải pháp có thể thay đổi cho phù hợp tình hình thực tế, nhưng không gì có thể quan trọng hơn sinh mạng người dân vào lúc này. Tất cả cùng nhau quyết tâm, chúng ta sẽ sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới.

“Phủ” vaccine cho công nhân, phục hồi sản xuất

* DN đã chịu nhiều tổn thất trong dịch bệnh. Chính quyền TPHCM có giải pháp cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy DN vượt khó?

* Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của DN khi dịch bệnh kéo dài. Thành phố luôn coi cộng đồng DN là một trong những đối tượng ưu tiên cần phải được tính đến khi thực thi bất kỳ một chính sách phòng chống dịch nào. Thành phố đã có tính toán các giải pháp dưỡng sức, hỗ trợ DN vượt khó. Nếu có những giải pháp mà TP thực hiện gây khó khăn cho hoạt động DN, TP cũng mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ vì phải đặt sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết và không còn giải pháp nào khác khả dĩ hơn.

Vừa qua, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23 của Thủ tướng, TP đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với gần 101.400 đơn vị, DN với quy mô hơn 2,3 triệu lao động. Số tiền được giảm mức đóng là hơn 1.061 tỷ đồng, giúp DN hỗ trợ người lao động phòng chống dịch. Các DN đủ điều kiện cũng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính phủ cũng đang chuẩn bị ban hành chính sách miễn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Thành phố sẽ thực hiện ngay khi chính sách được ban hành. Đồng thời, TP tiếp tục lắng nghe phản ánh, đề xuất của DN.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, chúng tôi sẽ nghiên cứu các giải pháp và sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ DN vượt khó, tái sản xuất, kinh doanh để đóng góp nhiều hơn cho TPHCM, cho đất nước. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chỉ đạo tập trung “phủ” vaccine cho công nhân, người lao động của DN để sớm tạo miễn dịch làm cơ sở dần từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động.

Tin cùng chuyên mục