Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Phát triển du lịch huyện Cần Giờ thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại buổi làm việc với huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, huyện Cần Giờ phối hợp với các sở ngành nhanh chóng xây dựng đề án, chương trình phát triển du lịch huyện thực chất hơn, đẳng cấp hơn để sánh với các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của cả nước.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm việc với huyện Cần Giờ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi làm việc với huyện Cần Giờ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều 10-2, Thường trực UBND TPHCM đã có buổi làm việc với huyện Cần Giờ về giao nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện năm 2023; triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đến dự và chủ trì.

Doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng từ du lịch

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng báo cáo kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; kết quả, tiến độ thực hiện các nội dung được nêu trong kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM tại các buổi làm việc với huyện trước đó. Cùng với đó, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cần Giờ về thực hiện Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030.

Theo đó, năm 2022, huyện Cần Giờ có 13/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng tổng giá trị sản xuất 38% và vượt 19% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 25,6% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện. Thu ngân sách nhà nước đạt 161,3% dự toán TPHCM giao (vượt 61,3% kế hoạch); giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch vốn TPHCM giao. Huyện Cần Giờ cũng đã xóa được 11 điểm ô nhiễm môi trường và điểm ngập nước phát sinh mới.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về du lịch, năm 2022 huyện đón hơn 3 triệu lượt khách, với doanh thu 2.114 tỷ đồng (doanh thu tăng 2,2 lần so với năm trước). Đối với công tác an sinh xã hội, năm 2022, huyện Cần Giờ hỗ trợ vốn cho 3.124 hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn cho vay của ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, buôn bán với số tiền hơn 185 tỷ đồng (tăng 1,15 lần so với năm trước). Huyện cũng giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 25.715 lượt người chính sách có công, bảo trợ xã hội với số tiền hơn 20 tỷ đồng. Xây dựng chính quyền, kỷ luật, kỷ cương hành chính được đảm bảo.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo thực hiện gắn với với Chủ đề năm 2022; Tỷ lệ người dân hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 98,14%. Chuyển đổi số, Đề án đô thị thông minh và xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng huyện Cần Giờ thành thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 cũng được tập trung thực hiện và hoàn thành từng bước theo tiến độ kế hoạch.

Về du lịch, năm 2022, huyện Cần Giờ đón hơn 3 triệu lượt khách, doanh thu 2.114 tỷ đồng (tăng 2,2 lần so với năm trước). Ảnh: VIỆT DŨNG
Về du lịch, năm 2022, huyện Cần Giờ đón hơn 3 triệu lượt khách, doanh thu 2.114 tỷ đồng (tăng 2,2 lần so với năm trước). Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Cần Giờ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó tình hình sản xuất còn khó khăn, thu nhập các nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi gia súc… giảm so với năm trước, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng có tập trung nhưng chậm triển khai. Khiếu nại, phản ánh, kiến nghị trong dân tăng 202 đơn so với năm trước, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai. Số vụ phạm pháp hình sự cũng tăng 19%, chủ yếu tội phạm trộm cắp tài sản và đánh bạc; tai nạn giao thông tăng hai tiêu chí về số vụ và số người chết so với năm 2021.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ đã kiến nghị rất nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, để giải quyết tình trạng ùn ứ, kẹt xe, phương tiện giao thông tại 2 đầu bến phà Bình Khánh, huyện kiến nghị TPHCM chủ trì buổi làm việc nghe các sở ngành liên quan để báo cáo đề xuất phương án giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông ở khu vực phà Bình Khánh; cũng như các tuyến phà kết nối huyện Cần Giờ với huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

Phát triển kinh tế du lịch thành mũi nhọn

Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, tại phà Bình Khánh có 9 phà đang hoạt động. Để giải quyết ùn ứ giao thông tại 2 đầu bến phà, Sở GTVT TPHCM có công văn đề xuất UBND TPHCM chấp thuận đầu tư đóng mới 2 phà với kinh phí 79 tỷ đồng.

Lãnh đạo các sở ngành góp ý, trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lãnh đạo các sở ngành góp ý, trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó, tăng số chuyến phà vào các giờ cao điểm để giải quyết ùn ứ ở 2 đầu bến phà; nghiên cứu phương án hợp tác với các doanh nghiệp vận tải hành khách đường thủy trong việc xã hội hóa đóng mới phà, thuê phà vận chuyển hành khách… Sở GTVT TPHCM cũng kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận UBND huyện Cần Giờ bố trí 12 vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy phát triển du lịch.

Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, nếu khách du lịch từ tỉnh Bến Tre đi TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) qua địa phận huyện Cần Giờ giảm được 3 giờ đồng hồ, sẽ mở ra cơ hội cho huyện Cần Giờ trong đón thêm khách du lịch.

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình du lịch, dịch vụ phụ trợ kinh tế biển. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình du lịch, dịch vụ phụ trợ kinh tế biển. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM cũng thông tin, chiều nay (10-2), UBND TPHCM với UBND tỉnh Tiền Giang đang bàn vấn đề kết nối giao thông giữa hai huyện Cần Giờ và huyện Gò Công Đông). Vì vậy, ngoài việc mở thêm các tuyến đường thủy, phà kết nối giữa huyện Cần Giờ với huyện Gò Công Đông, Chủ tịch UBND TPHCM gợi mở huyện Cần Giờ nghiên cứu phát triển thêm các dịch vụ đi kèm, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa thu hút giữ chân khách du lịch.

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành các loại hình du lịch, dịch vụ phụ trợ kinh tế biển. Đồng chí Phan Văn Mãi đặt vấn đề, du lịch là thế mạnh của huyện nhưng cần phải làm sao để du lịch huyện Cần Giờ thực sự là thế mạnh? Và từ đây tác động lan tỏa đến các lĩnh vực, ngành nghề khác của huyện như phát triển các lĩnh vực giao thông, vận tải… tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, sau đại dịch, ngành du lịch TPHCM đã hồi phục và phát triển, trong đó TPHCM phát động mỗi quận/huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng và các nơi đã hưởng ứng làm rất tốt. Với tiềm năng của huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TPHCM kỳ vọng ngành du lịch của huyện phát triển hơn, đẳng cấp hơn để sánh với các địa điểm du lịch nổi tiếng khác của cả nước.

Vì vậy, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu huyện Cần Giờ phối hợp với các sở ngành nhanh chóng xây dựng đề án, chương trình phát triển du lịch huyện Cần Giờ là kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, Sở Công thương cùng với Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn TPHCM phối hợp với huyện Cần Giờ xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm, đặc sản của huyện để đa dạng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, du lịch, tạo ra sinh kế, thu nhập cho người dân.

Theo Sở Du lịch TPHCM, so với các quận, huyện khác của TPHCM, huyện Cần Giờ được đánh giá có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực. Dù vậy, đến thời điểm này, tiềm năng của huyện Cần Giờ vẫn chưa được đánh thức. Nếu như mỗi năm TPHCM đón khoảng 30 triệu khách du lịch thì du lịch huyện Cần Giờ chỉ thu hút được 4-6% lượng khách này.

Nguyên nhân đó có nhiều điểm nghẽn như từ trung tâm TPHCM đến huyện Cần Giờ vẫn chưa có điểm dừng chân, nghỉ chân. Một điểm nghẽn nữa đó huyện chưa có nhiều điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng chất lượng để du khách thực sự có không gian trải nghiệm, trong đó biển Cần Giờ vẫn chưa khai thác hết giá trị để phục vụ cho du lịch biển và nghỉ dưỡng biển.

Ngoài ra, cơ sở vật chất và các dịch vụ bổ trợ cho du lịch của huyện Cần Giờ vẫn còn là một điểm nghẽn lớn, đó là cơ sở lưu trú còn ít, chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch nghỉ dưỡng, lưu trú qua đêm; các cơ sở ăn uống, mua sắm nhỏ lẻ….

Tin cùng chuyên mục