Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen Bệnh viện Nhi đồng 2

Ngày 17-9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã tặng bằng khen cho tập thể Bệnh viện Nhi đồng 2 vì đã có thành tích xuất sắc trong ca phẫu thuật ghép thận thành công cho bệnh nhi 15 tuổi từ người hiến chết não.

Đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ sự vui mừng khi ca ghép thận cho bệnh nhi 15 tuổi đã thành công. Đồng chí Phan Văn Mãi gửi lời chúc mừng ê-kíp ghép thận của Bệnh viện Nhi đồng 2, gia đình bệnh nhi được nhận tạng và cảm ơn người cho thận chết não.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen Bệnh viện Nhi đồng 2 ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã tặng bằng khen cho tập thể Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: CAO THĂNG
 “Sắp tới rất mong ngành y tế cùng nhau thực hiện đưa TPHCM thành trung tâm đào tạo chuyên sâu về y tế ngang tầm thế giới. Ghép tạng là lĩnh vực quan trọng hiện nay và cần được đầu tư phát triển. Hiện nay trung tâm ghép tạng của Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa khởi công nên cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, song song đó, chúng ta cần chuẩn bị nhân lực và các yếu tố khác để kịp thời vận hành ngay sau khi hoàn thiện”, đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng bằng khen Bệnh viện Nhi đồng 2 ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã tặng quà và chúc mừng gia đình bệnh nhi. Ảnh: CAO THĂNG
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, nguồn tạng từ người cho chết não rất quý giá, ca ghép thận lần này mang tính chất nhân văn lớn góp phần tái sinh cuộc sống mới cho bệnh nhi.

 Đây cũng là ca ghép thận thứ 23 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 với nguồn tạng được nhận từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Cụ thể, nam bệnh nhi sinh năm 2007, phát bệnh từ năm 2020 với chẩn đoán bệnh viêm cầu thận mạn, khả năng xơ hoá cầu thận khu trú từng phần tiến triển, chưa loại trừ hoàn toàn bệnh thận IgA.

Thời điểm được ghép thận, bệnh nhân đang được chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Khác với các trường hợp ghép thận từ người cho sống, lần này ê-kíp sẽ ghép từ người hiến chết não. Với các ca ghép từ người sống, ê-kíp phẫu thuật thuận lợi hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép. Còn trường hợp này, ê-kíp phẫu thuật không thể biết trước để phác họa rõ ràng. Vậy nên, ngoài quy trình chặt chẽ, việc vận hành các khoa phòng đồng loạt triển khai, yêu cầu ê-kíp phẫu thuật phải thao tác chuẩn xác, kịp thời, nhanh chóng. Kết quả, sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca ghép thận đã thành công.

Hiện nay nhu cầu ghép thận ở trẻ em khá nhiều và có chiều hướng tăng.

Tin cùng chuyên mục