Chú trọng yếu tố con người trong bộ máy hành chính

Kinh tế vĩ mô ổn định, thành tựu đối ngoại nổi bật 
Chú trọng yếu tố con người trong bộ máy hành chính

(SGGPO).- Đó là một quan điểm xuyên suốt ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 tại Hội trường Quốc hội sáng nay 2-11. Tổng kết phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 26 ý kiến phát biểu tại hội trường trong buổi sáng 2-11. 

Chú trọng yếu tố con người trong bộ máy hành chính ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp sáng 2-11. (Ảnh: LÃ ANH)

Kinh tế vĩ mô ổn định, thành tựu đối ngoại nổi bật 

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM), hai thành tựu nổi bật trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thời gian qua là giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm số thu ngân sách; đồng thời chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm vừa qua thấp hơn so với 5 năm trước, trong khi động lực tăng trưởng đã bão hòa, đặt ra yêu cầu tạo ra động lực mới. “Đáng lưu ý, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp so với các quốc gia trong khu vực. Nếu phân tích sâu thì thấy Việt Nam có những chỉ số được xếp hạng cao, nhưng các chỉ số xếp hạng về thể chế hay sự phát triển của thị trường tài chính lại rất thấp. Trong khi đó, nguồn lực phân bổ chưa hợp lý, chi phí tiếp cận nguồn lực cao”. Giải pháp mà ĐB Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị là tái phân bổ nguồn lực để mọi người đều có thể tiếp cận nguồn lực dễ dàng, công bằng, thuận lợi. Đẩy nhanh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để Nhà nước tập trung vào vai trò kiến tạo; cải cách thể chế theo hướng phù hợp với cam kết quốc tế...

ĐB Trần Ngọc Vinh phát biểu tại phiên họp sáng 2-11. (ẢnhL LÃ ANH)

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng ghi nhận và đánh giá cao những thành quả kinh tế - xã hội đạt được trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp… Song, nền kinh tế còn nhiều yếu tố chưa bền vững; xã hội còn những vấn đề tồn tại nhiều năm, khiến cử tri bức xúc. ĐB Trần Ngọc Vinh đề nghị tập trung nguồn lực hỗ trợ DN trong nước phát triển, khắc phục “sự phát triển lệch pha” giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trong nước; đặc biệt trong nông nghiệp, cần có cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ khâu chế biến, thúc đẩy liên kết 4 nhà; tổ chức tốt thị trường nông sản nội địa…

Cho rằng TPP vừa mở ra sân chơi mới, vừa đặt ra những thách thức không nhỏ, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ cộng đồng DN tăng khả năng cạnh tranh; tập trung vào việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Nhà nước làm cầu nối, “kéo” thêm nhà tài chính vào mối liên kết 3 nhà (nông dân - doanh nghiệp  - nhà khoa học) để nâng cao hiệu quả hợp tác.

“Một người biết lo bằng một kho người làm”

“Một người biết lo bằng một kho người làm”, nhưng chúng ta thì đang rất thiếu những người biết lo”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) ví von khi đề cập đến khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói riêng và khả năng cạnh tranh của quốc gia nói chung. Dứt khoát không nhập thiết bị lạc hậu vì dễ tạo ra một đội ngũ lao động giản đơn hiệu quả thấp, đồng thời tác động xấu đến môi trường; công khai minh bạch trong tuyển dụng và đổi mới công tác đào tạo - dạy nghề là gói giải pháp được ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị. 

Tỏ ra trăn trở về chất lượng nguồn nhân lực, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa cũng nêu vấn đề: “Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, chịu đầu tư cho con cái đi học nước ngoài, nhưng các em, các cháu học xong đều ở lại nước ngoài, không về làm việc ở VN. Có 12/13 em được học bổng “Đường lên đỉnh Olympia” đã ở lại nước ngoài. Do đó, cần có những chính sách đột phá để thu hút nhân tài, không chỉ do Nhà nước bỏ tiền đào tạo mà cả nguồn lực từ xã hội đầu tư thì mới mong cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực”.

ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp sáng 2-11. (Ảnh: LÃ ANH)

Còn theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), mặc dù khung khổ pháp lý nói chung và thủ tục hành chính nói riêng đã được hoàn thiện, cải cách nhiều, nhưng những chuyển biến đạt được vẫn chưa như mong muốn, bởi “con người trong bộ máy hành chính chưa tốt”. Chúng ta cần đánh giá cụ thể hơn về công tác cán bộ và có những giải pháp nâng cao trách nhiệm công vụ.

Nói về trách nhiệm và bản lĩnh của những người đứng đầu, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thẳng thắn nhận xét: “Nếu như không sợ chỉ trích thì phải nói rằng bên cạnh những mặt được, vẫn cần phải rút kinh nghiệm về bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương. Ngư dân mong ngóng có tàu mới để ra biển khơi, nhưng đã một năm rưỡi rồi vẫn chưa có tàu mẫu! Trong khi nhân dân còn rất nghèo, còn rất nhiều nhu cầu bức xúc cần giải quyết, thì nhiều nơi đã xây dựng tượng đài rất hoành tráng tốn kém, thậm chí còn dự kiến làm thêm”…

Chiều nay và sáng mai (3-11), Quốc hội tiếp tục làm việc về nội dung này.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục