Chưa có cơ chế giám sát các tập đoàn tài chính

Chiều 25-6, tại cuộc hội thảo khoa học Thực trạng và triển vọng của hệ thống giám sát tài chính do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, các đại biểu đã phân tích cấu trúc hệ thống giám sát tài chính hiện tại của Việt Nam; thực trạng phối hợp hoạt động và hạn chế của các cơ quan giám sát; đưa ra kiến nghị về việc định hình và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tài chính trong tương lai.

(SGGP).– Chiều 25-6, tại cuộc hội thảo khoa học Thực trạng và triển vọng của hệ thống giám sát tài chính do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, các đại biểu đã phân tích cấu trúc hệ thống giám sát tài chính hiện tại của Việt Nam; thực trạng phối hợp hoạt động và hạn chế của các cơ quan giám sát; đưa ra kiến nghị về việc định hình và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tài chính trong tương lai.

Tại hội thảo, TS Trần Kim Chung nêu rõ, cần xây dựng mô hình giám sát tài chính hợp nhất cho Việt Nam đồng thời với việc xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin để tạo điều kiện cho các cơ quan trong mạng an toàn tài chính phối hợp thực hiện giám sát và cảnh báo khủng hoảng.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực đã chỉ ra những khoảng trống, thiếu sự giám sát trên thị trường tài chính Việt Nam như chưa có cơ chế quản lý và giám sát các tập đoàn tài chính, các hoạt động ngân hàng ngầm hoặc bán chéo sản phẩm. Ông Lực chia sẻ quan điểm về việc tiến tới mô hình giám sát tài chính hợp nhất trong dài hạn là phù hợp nhưng cần cân nhắc kỹ và nâng cao vai trò của cơ quan giám sát, bao gồm tính độc lập và trách nhiệm giải trình, thẩm quyền xử lý vi phạm, quyền xây dựng, ban hành chính sách pháp lý chung đối với hoạt động giám sát thị trường tài chính. Bên cạnh đó, cần thành lập một tổ chức chịu trách nhiệm cho rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng và giám sát các tập đoàn tài chính.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục