Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? - Bài 1: Chậm và thiếu thực tế

Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, công tác đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, nhận thức chính trị, pháp luật cho công nhân lao động được các cấp công đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. 

LTS: Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từng bước hiện thực hóa chiến lược “phát triển rút ngắn”.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn đi theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ với tư duy và thể chế quản lý cũ, do vậy tốc độ phát triển chậm, không bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo hạn chế. Kéo theo đó là đội ngũ công nhân lao động của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng tuy đông nhưng chất lượng thấp, số công nhân có trình độ tay nghề cao có thể đáp ứng trong các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn và tham gia hội nhập, đứng vững trong thời đại công nghiệp 4.0 còn thấp…

Từ hôm nay, Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?”, qua đó có cái nhìn xác thực hơn giữa chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực với thực tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020, trong những năm qua, TPHCM đã triển khai nhiều chương trình hành động nhằm nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, từng bước trí thức hóa đội ngũ công nhân lao động.

Kết quả bước đầu cho thấy, đã có gần 2,5 triệu trong tổng số 3 triệu lao động được đào tạo (đạt tỷ lệ 81,2%). Tuy nhiên, so với yêu cầu và đòi hỏi thực tế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghiệp 4.0) đặt ra thì chưa đạt…

Đào tạo chưa gắn với công nghiệp 4.0

Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, công tác đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, nhận thức chính trị, pháp luật cho công nhân lao động được các cấp công đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua đã có hơn 40.000 công nhân, lao động tham gia các lớp học bổ túc văn hóa.

Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” cũng được chú trọng thông qua hơn 8.800 hội thi tay nghề với gần 500.000 lượt công nhân lao động tham gia. Thành phố cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí với các doanh nghiệp đào tạo được hơn 2.500 công nhân kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Về chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu công nghiệp 4.0, theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTB-XH TPHCM), thời gian qua các trường đào tạo nghề đã có sự chuyển động tích cực theo hướng đào tạo kép (lý thuyết gắn với thực hành). Kỳ họp HĐND TPHCM mới đây cũng đã thông qua Đề án đầu tư công về chương trình nghề trọng điểm cho 6 trường dạy nghề và 2 trường thuộc ngành nghề mũi nhọn.

Lĩnh vực đào tạo chủ yếu là điện tử, cơ khí, dịch vụ kỹ thuật… Chưa kể, trong nhiều năm qua, rất nhiều trường trong số hơn 180 trường cao đẳng, dạy nghề đã liên kết với doanh nghiệp mở các khóa đào tạo, nâng cao tay nghề cho người thợ ngay tại phân xưởng, dây chuyền sản xuất.

Nhìn vào các số liệu trên, chúng ta cảm thấy có vẻ “yên tâm” với sự đầu tư, chuẩn bị về nguồn nhân lực để đón nhận làn sóng công nghiệp 4.0 trên thế giới. 

Mỗi năm TPHCM đào tạo được hơn 300.000 lao động có trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng. Trong đó có gần 10% thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu và hơn 1% các ngành tự do dịch chuyển trong khối ASEAN.
(Nguồn: Sở LĐTB-XH TPHCM)

Theo lãnh đạo của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công nghiệp 4.0 hiện đã có mặt ở nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam. Và, thực tế hoàn toàn khác so với những gì mà chúng ta đã đầu tư cho các chương trình, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực.

Chúng tôi đến Công ty Juki (100% vốn của Nhật Bản) trong Khu chế xuất Tân Thuận, chuyên sản xuất linh kiện máy may công nghiệp. Công ty có hơn 1.500 lao động nhưng chỉ có chưa đến 10% là kỹ sư và công nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề. Phần lớn còn lại là lao động có trình độ 12/12, được đào tạo tại chỗ về khả năng thuần thục, kỹ năng sáng tạo trong từng công đoạn.

Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? - Bài 1: Chậm và thiếu thực tế ảnh 1  Một phân xưởng sản xuất tại Công ty Juki với nhiều thiết bị tự động hóa và robot
Đại bộ phận cán bộ quản lý các dây chuyền công nghệ, kể cả nhiều công đoạn đã được tự động hóa và ứng dụng robot, đều chưa qua đào tạo tại các trường lớp cao đẳng, dạy nghề.

Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng nhóm vật tư kiêm Bí thư Chi bộ Công ty Juki, đội ngũ cán bộ quản lý này là nguồn lực sáng tạo vô tận của công ty. Mỗi năm đội ngũ này thực hiện hàng trăm công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về tự động hóa trong các công đoạn, quy trình sản xuất.

Cũng từ những công trình, sáng kiến này, nhiều công đoạn lắp ráp, gia công, đo đạc đã được tự động hóa bằng robot, làm giảm lao động (có bộ phận từ 11 xuống còn 3) mà năng suất, chất lượng lại tăng gấp nhiều lần.

Chiến lược mà công ty đề ra là “Thông minh hóa nhà máy”, với mục tiêu mỗi năm đưa tự động hóa, robot vào thay thế từ 10% đến 12% công đoạn, dây chuyền sản xuất, tất cả đều từ sự sáng tạo của người thợ trên từng công đoạn, phần việc mà họ đang làm.

Cũng theo bà Linh, để có nguồn lực sáng tạo này, nhiều năm qua công ty đã áp dụng đào tạo tại chỗ theo từng công đoạn. Hàng năm, công ty ký hợp đồng với Trường Đại học Bách khoa TPHCM mở các khóa học tại chỗ về sáng tạo và cải tiến chất lượng. Mỗi khóa kéo dài 3 - 6 tháng (mỗi tuần học 1 ngày).

Các khóa học này thu hút khá đông công nhân theo học. Nội dung học sát với thực tế, giúp người thợ tiếp thu một cách nhanh nhất kiến thức và áp dụng ngay vào thực tế công việc của từng người. Trong khi đó, từ hơn 1 năm nay, Liên đoàn Lao động TPHCM phối hợp với Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng đưa khoảng 30 lao động của công ty đi học các nghề tiện, phay, bào.

“Học về họ lại tiếp tục làm ở công đoạn, công việc đã làm, không thể áp dụng tiện, phay, bào vào công ty. Cách đào tạo này là chưa phù hợp, chưa đạt được mức tiếp cận với công nghiệp 4.0”, bà Linh nhận định.

Trí tuệ + sáng tạo

Đi tìm câu trả lời về công nghiệp 4.0 đến Việt Nam từ khi nào, chúng tôi đến Công ty Mtex (100% vốn đầu tư của Nhật Bản), chuyên sản xuất IC bán dẫn và phụ tùng ô tô. Công ty có 520 lao động, trong đó có gần 100 người trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp nghề.

Cũng như ở Công ty Juki, phần lớn lao động tại đây có trình độ văn hóa 12/12 và đều được đào tạo, huấn luyện nghề khi tuyển dụng. Đội ngũ cán bộ quản lý của công ty phần lớn cũng từ những người thợ 12/12 này. Trong đó, bộ phận khuôn mẫu vi mạch - “trái tim” của công ty - có 36 lao động thì từ người thợ đến quản lý đều là trình độ 12/12, không có ai đã học qua các trường cao đẳng, dạy nghề nào.
Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? - Bài 1: Chậm và thiếu thực tế ảnh 2 Công nhân làm việc trên thiết bị tự động hóa tại Phân xưởng lắp ráp điện tử của Công ty Mtex

Anh Nguyễn Kim Cương, quản lý bộ phận, nói: “Phương thức đào tạo của công ty là lấy nghề dạy nghề, người đi trước truyền đạt, hướng dẫn người đi sau, mỗi người làm tốt từng phần việc, công đoạn của mình. Cái quan trọng nhất là khả năng sáng tạo của mỗi người thợ, có sáng tạo và không ngừng sáng tạo mới đứng vững trong dây chuyền sản xuất và phát triển nghề lên được. Lãnh đạo công ty khuyến khích và động viên, khen thưởng rất lớn cho bất cứ sáng tạo nào của người thợ được ứng dụng vào sản xuất ”.

Qua tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp Nhật Bản ở TPHCM, chúng tôi thấy được từ nhiều năm nay họ đã có chính sách đầu tư nguồn nhân lực trí tuệ thông qua các chương trình học bổng, tài trợ những sinh viên giỏi tại Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM.

Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này được nhận vào công ty làm việc một thời gian ngắn rồi đưa về công ty mẹ ở Nhật học tiếng và huấn luyện kỹ năng nghề. Trong thời gian học tập và làm việc, họ nhận được nhiều chính sách ưu đãi, từ tiền lương, nhà ở, phương tiện đi lại đến đưa vợ con, gia đình sang Nhật sinh sống.

Rất nhiều phát minh, sáng chế có giá trị cao được đội ngũ kỹ sư này thực hiện tại Nhật, sau đó chuyển về ứng dụng tại Việt Nam và đã nhanh chóng phát huy tác dụng nhờ phù hợp với đặc thù, trình độ công nghệ và khả năng quản lý của người Việt Nam.

Điển hình như tại 2 công ty Juki và Mtex mà chúng tôi đề cập ở trên, hiện có hơn 30 kỹ sư Việt Nam đang là nguồn lực trí tuệ chủ yếu thực hiện chiến lược công nghiệp 4.0 nhiều năm nay tại 2 công ty này.

Tin cùng chuyên mục