- Ông tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông của xứ mình mới cho biết rằng có sự bổ sung, sửa đổi về chính tả trong sách giáo khoa so với trước. Đó là thống nhất cách viết tên riêng, thuật ngữ nước ngoài và cách đặt dấu thanh cho phù hợp.
- Tỷ dụ như “y” và “i”, sẽ viết kiểu nào?
- Dự thảo mới về chính tả sẽ giữ như phương án được đưa ra từ năm 1980. Âm “i” sau những chữ h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối sẽ cùng xài “i” kiểu vầy: hi sinh, bác sĩ, địa lí, chữ kí. So với thói quen đã xài thâm niên của nhiều người ra khỏi trường lớp từ lâu thì cái chữ “i” này... ngắn quá. Nhưng với con trẻ đi học, cứ thành nếp vậy cho quen.
- Rồi có phiên âm chữ nước ngoài mà đến người có biết ngoại ngữ dòm vô chữ phiên âm cũng “điếc” luôn không?
- Sách giáo khoa mới sẽ giữ phiên âm kiểu Hán Việt nếu từ phiên âm đã quen thuộc với số đông. Phần còn lại sẽ có ba cách viết: giữ nguyên chữ Latin, chuyển tự sang chữ Latin, hoặc viết như kiểu tiếng Anh. Còn phiên âm kiểu “của nhà trồng được” dĩ nhiên là không xuất hiện trong sách.
- Thiệt tình là lâu nay thấy con nít toàn được dạy những thứ cao siêu nhưng không thực tế. Mong rằng chương trình phổ thông mới có thực chất, hữu ích về kiến thức căn bản, và phải chuẩn từ những cái nhỏ.