Chung tay bảo vệ đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học (ĐDSH) có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho con người và đóng góp quan trọng với mọi nền kinh tế trên thế giới. Song ô nhiễm môi trường, khai thác quá mức tài nguyên, săn bắn trái phép động thực vật, tăng dân số, biến đổi khí hậu... đang làm ảnh hưởng xấu đến chức năng hệ sinh thái và phát triển xã hội bền vững. 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của ĐDSH, Việt Nam đã gia nhập Công ước ĐDSH vào năm 1994 để cùng thế giới góp phần bảo vệ ĐDSH.  
Chung tay bảo vệ đa dạng sinh học ảnh 1 Rừng ngập mặn Cần Giờ dự trữ đa dạng sinh học và là lá phổi của thành phố. Ảnh: THÀNH TRÍ
Với sự phong phú và đa dạng về địa hình, kiểu đất, cảnh quan và khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao, nhưng cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ĐDSH và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của Trái đất. Công tác bảo tồn ĐDSH cần sự hợp tác nhiều bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra của Công ước ĐDSH cũng như mục tiêu của Chiến lược quốc gia về ĐDSH.
Bảo vệ ĐDSH sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống của chính chúng ta. Nguồn tài nguyên sinh vật là những trụ cột giúp xây dựng các nền văn minh. Các sản phẩm của thiên nhiên là cơ sở cho các hoạt động đa dạng như nông nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm, giấy và bột giấy, làm vườn, xây dựng và xử lý chất thải.
Sự suy giảm ĐDSH đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm, cơ hội thưởng thức các hình thức giải trí và tham quan, cũng như các nguồn tài nguyên gỗ, các loại thuốc và năng lượng của chúng ta. Sự suy giảm ĐDSH cũng gây trở ngại các chức năng sinh thái thiết yếu cho đời sống nhân loại.
Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước ĐDSH vào năm 1994. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cụ thể như xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý, khung chính sách và pháp luật về ĐDSH. Tính đến nay, Việt Nam có 219 khu bảo tồn được thành lập, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 5 vườn di sản ASEAN, 8 khu ramsar... mang lại hiệu quả cao về bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật quý hiếm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương.
Đáng chú ý, năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật ĐDSH được đánh giá là rất tiến bộ, có tầm nhìn, hệ thống và tiếp cận đầy đủ các cam kết và chuẩn mực quốc tế về bảo tồn ĐDSH. Đây là khung luật đầu tiên của Việt Nam quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH. Ngoài ra, trong quá trình bảo tồn ĐDSH, Việt Nam cũng đã huy động được sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, JIKA, Quỹ Bảo vệ môi trường thế giới, Liên hiệp quốc...
Nhiều ý kiến cho rằng, bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH nhằm tạo ra và duy trì sinh kế của cộng đồng, phát triển bền vững đất nước có ý nghĩa và tầm quan trọng hàng đầu đối với quốc gia. ĐDSH ngày càng được khẳng định là điều kiện trọng yếu để giảm nghèo, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, khủng hoảng kinh tế. Do vậy, công tác bảo tồn ĐDSH rất cần sự tham gia tích cực của cộng đồng. Cần tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án về tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân bản địa, cộng đồng tại vùng đệm về giá trị của ĐDSH, nhất là huy động sự đầu tư của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cho công tác bảo tồn ĐDSH.

Tin cùng chuyên mục