Chung tay dẹp nạn đua xe trái phép

Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày càng phức tạp, nhất là việc thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội tụ tập, kêu gọi gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - CSGT, Bộ Công an) về vấn đề trên.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Buông lỏng quản lý từ nhà ra đường

- Phóng viên: Ông nhận định thế nào về tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung và việc thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội kêu gọi đua xe trái phép thời gian qua?

Đại tá NGUYỄN QUANG NHẬT: Tình hình trật tự an toàn giao thông đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Một bộ phận người tham gia giao thông sẵn sàng vi phạm nếu không có sự giám sát của lực lượng chức năng; nhất là vượt đèn đỏ khi không có CSGT tại ngã ba, ngã tư. Người điều khiển phương tiện còn sử dụng những biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc che biển số ở những nơi có camera giám sát.  

Trong khi đó, những lỗi vi phạm của người giao thông thường có nguy cơ rất cao dẫn tới tai nạn, như: đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm về tốc độ; uống rượu bia; sử dụng chất ma túy. Nhiều người vẫn lái xe sau khi uống rượu bia dù mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tăng. 

Gần đây còn rộ lên chuyện một số thanh niên lên mạng kêu gọi, rủ rê nhau tập trung gây rối trật tự công cộng, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép. Trong quý 1-2021, lực lượng chức năng đã phát hiện 326 vụ tụ tập lạng lách. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở phía Bắc, mà hiện đã dịch chuyển vào phía Nam, khu vực Đông và Tây Nam bộ. 

- Dù được tuyên truyền, cảnh báo, thậm chí đã có những đối tượng phải vào tù, nhưng tình trạng tụ tập, kêu gọi đua xe trái phép vẫn diễn ra. Theo ông, đâu là nguyên nhân?  

Tình trạng tụ tập, đua xe trái phép có nhiều nguyên nhân, từ gia đình tới cộng đồng. Nguyên nhân nền từ ý thức, thái độ chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đang bị hạn chế - thể hiện họ sẵn sàng vi phạm khi không có lực lượng chức năng, sẵn sàng trốn tránh hành vi vi phạm của mình. Tình trạng đua xe thường tập trung ở giới trẻ, vị thành niên, lứa tuổi có tâm lý muốn thể hiện, lại thường thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Nhiều phụ huynh giao xe mà chưa quản lý được thời gian của con. Một bộ phận giới trẻ sử dụng rượu bia, chất kích thích, dễ bị cuốn vào chuyện thi thố, so kè trên mạng xã hội. Cùng với đó, nhiều cá nhân mở lò “độ, chế” phương tiện, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm, kích động đua xe. 

Hàng trăm ‘quái xế” chặn làn đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức đua xe trái phép vào rạng sáng 19-3. Ảnh: CHÍ THẠCH


Áp dụng biện pháp mạnh

- Cục CSGT và CSGT các địa phương sẽ tận dụng sức mạnh công nghệ như thế nào để phát hiện, đấu tranh với các đối tượng đua xe, cổ vũ đua xe?

Lực lượng CSGT sẽ tham mưu để lực lượng công an toàn quốc tăng cường chủ động các biện pháp giám sát, nắm bắt thông tin về các đối tượng, từ việc kêu gọi tụ tập đến địa điểm, thời gian. Bên cạnh việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt, chúng tôi có sử dụng các ứng dụng của mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, từ hệ thống camera giám sát và qua tin báo của người dân… để phát hiện, điều động lực lượng ngăn chặn kịp thời. 

- Thời gian tới, lực lượng CSGT có những giải pháp nào để xử lý tình trạng tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép?

Chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng khác để tùy theo tính chất, mức độ từng vụ việc, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ áp dụng luôn các biện pháp tố tụng, để làm sao khẩn trương đưa ra điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng đua xe, tổ chức đua xe trái phép. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những đối tượng lạng lách, gây rối trật tự công cộng. 

CSGT cũng sẽ cùng gia đình, nhà trường, tổ dân phố có những biện pháp tuyên truyền, vận động, nhất là khuyến nghị gia đình quan tâm tới con em mình. Chúng tôi sẽ đấu tranh, ngăn chặn các lò “độ, chế” xe. Các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, cần tiếp tục đẩy mạnh việc định hướng cho thanh niên có lối sống lành mạnh, có ước mơ hoài bão, đấu tranh ngăn chặn hiện tượng tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép. Chúng tôi nghĩ cần có sự chung tay, đồng bộ của toàn xã hội đối với những hành vi vi phạm, để người vi phạm thấy ngại, thấy xấu hổ, cảm thấy không muốn, không thể vi phạm. Chúng ta đã từng đấu tranh, ngăn chặn được nạn đua xe trái phép vào thập niên 90 của thế kỷ trước tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, không có lý do gì hiện nay chúng ta lại không đấu tranh, ngăn chặn được tình trạng này.

Tin cùng chuyên mục