Rác sinh hoạt bít kín mặt kênh
Rạch Bà Tiếng (phường Bình Trị Đông B) là một trong 5 kênh rạch có mức độ ô nhiễm nặng nhất quận Bình Tân hiện nay. Ghi nhận trên tuyến rạch này vào chiều 17-7, chúng tôi thấy nước rạch đen ngòm, nhiều đoạn rác thải (bao bì, chai lọ, sọt tre, quần áo, thực phẩm thừa…) ngập kín mặt nước, phía trên ruồi nhặng bu kín. Dọc hai bên rạch, nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình còn gắn ống xả thải sinh hoạt thẳng ra rạch. Mùi hôi thối dưới rạch luôn bốc lên nồng nặc, người dân khi lưu thông trên đường Hồ Học Lãm (đoạn song song với rạch Bà Tiếng) đều phải bịt mũi, phóng nhanh.
Trong khi đó, trên 4 con kênh Đôi, Tẻ, Tàu Hủ, Bến Nghé (qua các quận 1, 4, 5, 6, 7 và 8) dài khoảng 25km cũng có lượng rác rất lớn, đa phần là rác thải sinh hoạt. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, lực lượng chức năng đã liên tục vớt rác trên 4 tuyến kênh này.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 trang bị 6 sà lan (có cần cẩu tự hành 3 tấn trên sà lan), 1 cần cẩu trên bờ 3 tấn, 6 tàu composite và 12 ghe (xuồng) chỉ để phục vụ cho công tác vớt rác thải, lục bình trên 4 tuyến kênh này. Qua thống kê, lượng rác vớt được dao động 10 - 40 tấn/ngày. Đặc biệt, các ngày lễ, tết tăng lên 60 - 70 tấn, thậm chí 80 tấn/ngày. Trong số này, rác thải sinh hoạt và ni lông, mút xốp chiếm đến 70%, số còn lại là rong cỏ, lục bình. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đánh giá, nguồn rác thải này chủ yếu do các hộ dân, hộ kinh doanh trên và ven 4 con kênh thải ra.
Trước thực trạng xả rác bừa bãi nêu trên, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải rắn TPHCM (thuộc Sở TN-MT), Khu Quản lý đường thủy nội địa TPHCM (thuộc Sở GTVT) và UBND các quận 4, 7, 8 đều kiến nghị tăng tần suất vớt rác trên kênh Đôi, kênh Tẻ từ 2 ngày/lần lên 1 ngày/lần.
Gia tăng ngập úng, ô nhiễm, dịch bệnh
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM (UDC), mỗi ngày UDC thu gom vận chuyển khoảng 200 tấn bùn lẫn rác trong hệ thống cống thoát nước. Đặc biệt, hệ thống cống ở khu vực công cộng đông người như chợ, bệnh viện, trường học thì lượng rác sinh hoạt chiếm đến 70%. Việc rác nhiều dưới cống có nguyên nhân do ý thức bỏ rác đúng nơi quy định chưa cao, khi mưa, rác theo dòng nước trôi vào cống hoặc lấp bít miệng thu nước. Rác theo dòng nước tập trung vào các vùng trũng thấp. Thông thường rác tập trung nhiều tại hạ lưu của tuyến cống và theo cửa xả thoát ra ngoài kênh rạch, khi kênh rạch không được nạo vét khơi thông thường xuyên sẽ dồn rác vào cống và dồn dần về phía thượng lưu.
“Việc rác ngập dưới cống sẽ gây nghẹt, tắc cống, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập nước”, một lãnh đạo UDC thông tin và cho biết rác vô cơ như bao ni lông, ống tiêm… gây khó khăn cho việc thu gom và xử lý, còn rác hữu cơ dễ phân hủy nhưng sẽ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.
Để xử lý rác thải, bên cạnh phương thức công nhân trực tiếp xuống cống vớt (có 350 người trực tiếp làm công việc này), UDC cũng thường xuyên tổ chức vớt rác trước miệng thu nước trước, trong và sau mưa nhằm tăng cường khả năng thoát nước.
Tuy nhiên, do thiếu nhân lực nên việc vớt rác chỉ được thực hiện ở các tuyến đường thường xuyên ngập nước do mưa. UDC cho rằng, để hạn chế tình trạng rác dưới cống rãnh, cần có nhiều biện pháp kết hợp. Đặc biệt là việc tăng cường vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, tuyên truyền pháp luật về xử lý đối với vi phạm xả rác không đúng quy định nơi công cộng. Cùng với đó là việc bố trí thùng chứa rác công cộng dọc theo các tuyến đường, tăng cường lực lượng thu gom rác. Biện pháp hữu hiệu, bền vững chính là đưa nội dung xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định sẽ gây ngập nước, ô nhiễm môi trường vào các chương trình giáo dục, từ cấp tiểu học cho đến đại học.
Đồng tình, lãnh đạo Sở GTVT cũng nhấn mạnh, để giải quyết bài toán xử lý rác thải quan trọng nhất là phải kiểm soát được các nguồn thải, đặc biệt là ở khu vực trung tâm. Do đó, UBND các quận - huyện cần tăng cường kiểm tra, xử phạt để qua đó hình thành một phong trào tuyên truyền, vận động người dân chung tay giữ gìn TPHCM xanh, sạch đẹp, hiện đại và văn minh.
Mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên hữu hiệu
Ngay sau lễ ra quân chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2018, các chiến sĩ đã bắt tay vào cải tạo 5 con rạch đang bị ô nhiễm nặng tại các quận 12, Thủ Đức và Gò Vấp. Không chỉ có sức trẻ của thanh niên TP mà cả người dân địa phương cũng chung tay để cải thiện môi trường kênh rạch, giúp khơi thông dòng chảy, trả lại sự thông thoáng cho các điểm lâu nay bị tồn đọng rác.
Ngoài ra, thực hiện lời kêu gọi của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân “Tuổi trẻ phải là người đi đầu trong thực hiện kênh, cống không rác, đồng thời vận động mỗi người dân không xả rác”, ngoài bắt tay thực hiện những việc làm thiết thực như dọn vệ sinh tại các kênh rạch, vẽ các khẩu hiệu tuyên truyền trên nắp cống, vách tường cũ, các đoàn viên, thanh niên còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong vận động người dân không xả rác, chung tay vì môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Qua việc tham gia trực tiếp, hiểu sự vất vả của công nhân môi trường nên mỗi bạn đoàn viên, thanh niên càng có ý thức giữ gìn vệ sinh, cũng như trở thành tuyên truyền viên tích cực.
Không chỉ vào thời điểm thực hiện chiến dịch Mùa hè xanh, công tác bảo vệ môi trường mới được đoàn viên, thanh niên thực hiện, mà thời gian qua, thông qua các chiến dịch như Ngày chủ nhật xanh, các mô hình đội nhóm bảo vệ môi trường, tuổi trẻ TPHCM đã cùng bắt tay thực hiện những việc làm ý nghĩa vì một TP xanh - sạch - đẹp, như mô hình nhặt rác sau lễ hội tại các công viên, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chính hình ảnh đẹp và việc làm thiết thực của các bạn đã lôi kéo được sự tham gia của nhiều bạn trẻ khác. Cả người dân cũng thấy ái ngại, xem xét lại hành vi khi rác mình vừa vứt xuống đã có một bạn trẻ đến nhặt với nụ cười rất tươi cùng câu khẩu hiệu: Chung tay vì môi trường không rác. Xác định việc bảo vệ môi trường phải cần sự chung tay cùng làm của toàn xã hội, tại các địa phương, đoàn thanh niên thành lập đội hình xuống các con hẻm, vào nhà dân để tuyên truyền, phát tờ rơi, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn; tham gia các buổi họp tổ dân phố, khu phố để tuyên truyền người dân có thêm ý thức bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các cuộc thi ý tưởng sáng tạo do Thành đoàn TPHCM phối hợp các đơn vị tổ chức cũng là kênh tìm kiếm các ý tưởng hay trong bảo vệ môi trường, giảm tình trạng ngập trên địa bàn TP.
Anh NGÔ MINH HẢI,
Phó Bí thư Thành đoàn TNCS TPHCM, Chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2018
Phải chung tay mới có thể bảo vệ môi trường
Quận 1 là quận trung tâm của TPHCM, nơi thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, vui chơi. Xác định rằng để giữ gìn địa bàn sạch, đẹp, không rác, rất cần sự chung tay của mọi người dân, trong đó thanh niên phải là người đi đầu trong thực hiện và truyên tuyền, nên thời gian qua Quận đoàn 1 đã thực hiện rất nhiều chương trình thiết thực. Bên cạnh việc vẽ các khẩu hiệu, tranh cổ động lên các nắp cống, chúng tôi còn có mô hình “Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn” để các bạn trẻ ra quân dọn vệ sinh sau lễ hội, đêm giao thừa.
Ngoài dọn vệ sinh, các bạn còn tuyên truyền để người dân có ý thức trong giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi xuống đường gây tắc nghẽn cống. Có những đợt ra quân, chúng tôi thu hút hơn 300 bạn trẻ cùng tham gia. Hiện chúng tôi đang phối hợp Phòng Kinh tế quận để giúp người dân trên địa bàn cũng như tiểu thương tại các chợ chuyển đổi từ sử dụng túi ni lông sang túi giấy, túi vải.
Thực tế sau thời gian vận động, tuyên truyền đến người dân và các buổi tại các trường học, ý thức của người dân, nhất là các em thiếu nhi, trong bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi đã được nâng lên. Theo tôi, đây là việc làm cần được duy trì và kiên nhẫn trong thời gian dài. Chỉ khi người dân hiểu, có ý thức giữ gìn, có sự chung tay thì mới giúp môi trường sống được sạch, đẹp.
Anh TRẦN ĐỖ NAM LONG,
Phó Bí thư Quận đoàn quận 1
Phó Bí thư Quận đoàn quận 1
Tạo chương trình để người dân cùng chung tay thực hiện
Từ 2 năm nay, cứ vào 5 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, chúng tôi vận động bà con trong tổ dân phố tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác trên các tuyến đường, con hẻm trên địa bàn. Ban đầu cũng có nhiều khó khăn trong vận động người dân, nhưng sau vài tuần, thấy việc làm có ý nghĩa nên mọi người truyền tai nhau và tham gia ngày một đông hơn. Nhất là nhờ sự kêu gọi của Thượng tọa Thích Duy Trấn, Trụ trì chùa Liên Hoa, bà con phật tử tham gia ngày càng nhiều, hiện nay đã có 40 người góp sức.
Ở thời điểm mới thực hiện, sau một giờ đồng hồ quét dọn, chúng tôi thu gom được hơn 8 xe rác là chai, ly nhựa, hộp xốp, túi rác, túi ni lông…, nay chỉ còn 3 thùng rác. Điều này cho thấy, người dân đã có ý thức trong giữ gìn vệ sinh chung. Trước nhà dân và đầu các con hẻm cũng đã không còn các túi rác vứt lung tung gây mất vệ sinh nữa. Qua kết quả này, tôi thấy rằng nếu mỗi tổ dân phố, mỗi khu phố đều phát động phong trào để người dân chung tay thực hiện dọn dẹp vệ sinh sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong giữ gìn TP xanh, sạch, đẹp.
Bà GIẢ THỊ SỬA,
Tổ trưởng Tổ dân phố 7, phường 8, quận 11
Tổ trưởng Tổ dân phố 7, phường 8, quận 11