Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021 sẽ kết thúc vào ngày 31-3. Đây là năm thứ 19 TPHCM thực hiện CTBOTT đối với các mặt hàng thiết yếu và là năm thứ 11 TPHCM triển khai đồng bộ 4 CTBOTT gồm lương thực - thực phẩm; bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu và bình ổn các mặt hàng sữa.
Năm 2020, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình đã đảm bảo kế hoạch đưa hàng hóa ra thị trường với giá cả ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng TP.
Hàng bình ổn chiếm 30%-50% thị phần
4 CTBOTT năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021 được triển khai từ ngày 1-4-2020 đến 31-3-2021 theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Có 69 DN tham gia các CTBOTT, gồm 9 ngân hàng, 36 DN lương thực, 10 DN mùa khai giảng, 5 DN sữa và 9 DN dược phẩm. Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký cho vay thực hiện CTBOTT năm 2020 là gần 20.000 tỷ đồng.
Bên cạnh 10 nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày được TP tiếp tục thực hiện BOTT, điểm mới của CTBOTT năm 2020 là TP đưa thêm 2 mặt hàng (khẩu trang các loại, trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế; nước rửa tay sát khuẩn) vào diện BOTT để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Về sản lượng hàng hóa, trong tháng thường lượng hàng hóa bình ổn sẽ chiếm từ 25%-30% nhu cầu thị trường và các tháng tết sẽ chiếm từ 25%-40%. Các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng hàng bình ổn sẽ chiếm từ 35%-50% nhu cầu thị trường.
Riêng dịp Tết Tân Sửu 2021, để đảm bảo cân đối cung cầu, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung như: thực hiện tốt kế hoạch tạo nguồn, dự trữ, cung ứng hàng hóa tết theo số lượng được giao; bên cạnh số lượng hàng hóa chuẩn bị theo kế hoạch được giao từ chương trình, các DN chủ động thực hiện đầy đủ kế hoạch kinh doanh nhằm đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường tết được dồi dào, phong phú và ổn định; chủ động nguồn hàng; sẵn sàng cung ứng kịp thời hàng hóa đến các địa bàn có hiện tượng thiếu hàng cục bộ; đảm bảo lượng cung ứng đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá. Trường hợp xảy ra biến động thị trường, DN đảm bảo cung ứng hàng hóa theo chỉ đạo của Sở Công thương; thông báo về các chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa trong và ngoài chương trình trước và sau tết, trong đó ưu tiên các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả.
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, các DN tham gia CTBOTT đã tích cực, chủ động và rất chuyên nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, chấp hành các quy định chương trình, điều phối, đảm bảo cung cầu thị trường. Cao điểm dịch Covid-19 bùng phát vào đầu tháng 4-2020, người tiêu dùng có xu hướng mua gom hàng hóa dự trữ dẫn đến việc cung ứng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, dầu ăn, mì gói… bị gián đoạn. Thế nhưng, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN trong chương trình, sự chỉ đạo quyết liệt của các sở, ngành chức năng, chỉ sau vài ngày thị trường hàng hóa tại TPHCM đã thông suốt, cung đảm bảo cầu, giá bán tất cả các mặt hàng ổn định cho đến hết năm 2020.
Qua thực hiện CTBOTT và triển khai các chương trình như hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh thành, kết nối ngân hàng - DN…, các DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn, lãi suất phù hợp phục vụ nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất; có thêm nhiều cơ hội để liên doanh liên kết, hợp tác, khai thác vùng nguyên liệu, giảm chi phí, ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia thực hiện công tác BOTT ngày càng hiệu quả hơn. Các DN này không những đủ năng lực thực hiện trên địa bàn TP mà còn tham gia hỗ trợ DN các địa phương, tỉnh thành bạn trong việc thực hiện nhiệm vụ BOTT của cả nước do Chính phủ và Bộ Công thương chỉ đạo. |
CTBOTT các mặt hàng thiết yếu năm 2020 tiếp tục là công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả của TP. Các DN tham gia CTBOTT đã cung ứng hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu, hàng hóa của chương trình có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, được cung ứng đầy đủ, ngày càng nhiều và phong phú, đa dạng hơn, đủ sức chi phối, định hướng dẫn dắt thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, thực hiện an sinh xã hội và tạo được uy tín, niềm tin rất lớn trong người dân TP.
Trong những khoảng thời gian do ảnh hưởng dịch Covid-19, người tiêu dùng không thể đến những điểm bán để mua hàng hóa, các DN đã huy động mọi nguồn lực cũng như phát triển mạng lưới bán hàng qua Facebook, Zalo, qua website, điện thoại, đồng thời thực hiện giao hàng miễn phí cho khách. Các DN sản xuất cũng tận dụng tất cả các phòng làm việc hiện hữu để biến thành các kho hàng di động, vừa đáp ứng được khả năng chứa trữ, vừa tiết giảm chi phí, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Năm 2020 có hơn 101.000 DN ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, nhưng các DN BOTT tại TPHCM vẫn đảm bảo kế hoạch sản xuất và doanh thu, thậm chí một số DN còn đạt mức doanh thu cao nhất trong lịch sử như Công ty cổ phần Vissan.
Bên cạnh đó, hàng loạt DN cũng không ngừng đầu tư, trở thành các DN chủ lực của cả nước và vươn tầm quốc tế như Nutifood, Vinamilk, Saigon Food, Cầu Tre, Saigon Co.op, Satra, Vifon, Tấn Vương, Vinh Phát… Vào nhiều thời điểm, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tăng vọt vì sản xuất bị đình trệ do dịch, các DN bình ổn đã mạnh dạn cắt giảm tất cả các đơn hàng xuất khẩu để dồn sức cho thị trường nội địa, giúp người dân trong nước an tâm, không lo thiếu hụt hàng hóa.
Nói về CTBOTT, chị Trần Phương Thảo (ngụ chung cư Phố Đông, TP Thủ Đức) cho rằng, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, cho đến thời điểm Chính phủ yêu cầu cách ly toàn xã hội, gia đình chị vẫn không lo thiếu các mặt hàng thiết yếu vì TP đã và đang triển khai rất tốt công tác bình ổn. Đặc biệt, vào dịp Tết Tân Sửu vừa qua, hàng hóa của các DN BOTT đã xuất hiện đủ bộ trong mâm cỗ tết của gia đình chị Thảo, từ giò chả, thịt kho tàu, sườn nướng, nem nướng…, giúp cho việc chuẩn bị các món ăn ngày tết đỡ vất vả hơn.
Hiệu quả từ CTBOTT cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp TPHCM thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Với việc tham gia CTBOTT, các DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển, sản xuất kinh doanh. Từ chương trình, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng vốn hỗ trợ của TP. Đây cũng là cơ sở để TPHCM tập hợp, phát triển được đội ngũ DN mạnh, có đủ khả năng cung ứng hàng hóa chi phối thị trường. Chương trình đã góp phần cùng TP thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hầu hết các nhóm hàng cung ứng cho CTBOTT đều được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP; thậm chí có những DN đã và đang đầu tư để sản xuất các loại thực phẩm hữu cơ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Các DN như Vissan, Saigon Co.op, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Phước An, Phú Lộc, Xuân Thái Thịnh, Phong Thúy đều sản xuất theo quy trình truy xuất nguồn gốc đối với nhóm các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt và trứng gia cầm); thực hiện sơ chế và đóng gói tại nguồn đối với mặt hàng rau củ quả các loại. |