Cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có chuyến thăm Trung Đông và hai quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Việt Nam). Chặng sau ở Đông Nam Á được đánh giá là cơ hội để Ngoại trưởng Mỹ củng cố chính sách hướng Đông, thắt chặt quan hệ với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, chặng đầu đến Trung Đông được dự đoán có nhiều áp lực sau hàng loạt thất bại của Mỹ trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình tại khu vực này.
Chặng dừng đầy áp lực
Thời gian gần đây, tiếng nói của Mỹ tại Trung Đông đã giảm sút đáng kể. Israel đã khẳng định sắp tới sẽ tìm thêm nhiều đồng minh mà không dành vị trí ưu tiên cho Mỹ. Trước mắt, Israel và Saudi Arabia đang xúc tiến thiết lập liên minh quân sự để đối phó với Iran. Trước chuyến thăm của ông John Kerry đến Trung Đông lần này, Israel đã bác bỏ kêu gọi từ phía Tổng thống Mỹ Obama về giải pháp hai nhà nước tại Trung Đông. Nhật báo Al-Ayyam của Palestine ngày 11-12 cũng dẫn lời một quan chức Palestine giấu tên cho biết Tổng thống Mahmoud Abbas đã bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc duy trì sự hiện diện của Israel tại thung lũng Jordan trong 10 năm sau khi ký thỏa thuận hòa bình với Palestine.
Trong chuyến công du lần này ở Israel, Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề về chương trình hạt nhân của Iran và Palestine. Sau đó, ông John Kerry sẽ gặp Tổng thống Palestine Mohamoud Abbas ở Ramallah.
Êm ả ở châu Á
Đây là lần thứ tư ông John Kerry đến thăm châu Á kể từ khi ông giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. The Diplomat phân tích việc ông John Kerry chọn Việt Nam và Philippines là nhằm gây sự chú ý của Mỹ đối với Trung Quốc, hai quốc gia có mâu thuẫn lớn nhất với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
The Diplomat trích thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong nỗ lực tái cân bằng vị thế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chuyến thăm Việt Nam và Philippines là chuyến đi cụ thể hóa những cam kết của Mỹ cũng như xuất phát từ mối liên kết cá nhân của Ngoại trưởng Mỹ. Ông John Kerry từng tham chiến ở Việt Nam năm 1969 - 1970. Ở Việt Nam, Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến thăm TPHCM để bàn về việc mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại và giáo dục. Đến đồng bằng sông Cửu Long, ông sẽ bàn về việc hợp tác ngăn chặn biến đổi khí hậu và lĩnh vực năng lượng tái tạo. Người tiền nhiệm của ông, bà Hillary Clinton, là người đưa ra sáng kiến hạ lưu sông Cửu Long mà Việt Nam cùng các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào tham gia nhằm tăng liên kết để cải thiện điều kiện y tế, môi trường, giáo dục.
Chuyến thăm Philippines lẽ ra đã được thực hiện từ tháng 10 vừa qua nhưng vì trở ngại thời tiết nên bị hoãn. Tại thủ đô Manila, Ngoại trưởng Mỹ sẽ làm việc với các quan chức Philippines về việc hỗ trợ an ninh, kinh tế. Ông cũng sẽ đến thăm thành phố Tacloban, nơi bị thiệt hại nặng nề do siêu bão Haiyan gây ra. Qua đó, ông sẽ có những đánh giá ban đầu về hiệu quả của chiến dịch cứu trợ từ Mỹ và lên kế hoạch cho những hỗ trợ tiếp theo.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)