
Vào những ngày TPHCM vào mùa Giáng sinh, không khí se lạnh, chúng tôi được nghe những câu chuyện ấm lòng về cuộc sống và con người ở một xóm đạo thuộc phường 7 quận Tân Bình - một phường có 65% dân số là người Công giáo - để rồi dự cảm về một mùa Giáng sinh hạnh phúc, an lành đang tới…
- Chuyện của bác Trọng

Các cán bộ phường 7 quận Tân Bình thăm hỏi, chúc mừng bà con giáo dân nhân mùa Giáng Sinh 2005.
Anh Phùng Khắc Hoan, Chủ tịch UBND phường, thông báo với chúng tôi: “Bác Nguyễn Văn Trọng, một giáo dân, năm nay 70 tuổi, đã bắt đầu tham gia công tác ở tổ dân phố từ ngày 20-12-1976 đến ngày 22-10-2004, như vậy, bác đã có thâm niên 28 năm cần mẫn chung sức với chính quyền địa phương, trong đó có 20 năm công tác mặt trận, 14 năm là đại biểu hội đồng nhân dân”. Nhân vật vừa được anh nhắc đến lập tức gây ấn tượng mạnh với chúng tôi.
Sau ngày giải phóng, ông Trọng không chọn cách sống quay lưng với thời cuộc mà mạnh dạn tìm đến chính quyền địa phương xin làm dân quân tự vệ. Năm 1986, tại địa bàn ông canh gác có nhà bán dầu hôi bỗng phát hỏa. Trong lúc bấn loạn, mọi người chợt thấy cái dáng nhỏ bé của một người dân phòng đang thoăn thoắt ẩn hiện trên tầng cao, một mình đương đầu với hỏa hoạn.
Rồi đám cháy cũng phải tắt trước quyết tâm dập lửa của ông, từ đó mọi người ai cũng biết tới ông. Bà con tín nhiệm, bầu ông làm tổ phó rồi tổ trưởng tổ 46, khu phố 4 (khu phố 5 cũ) của phường 7 quận Tân Bình. Hàng ngày ông như “con thoi” hết tại công an phường tới công an quận rồi phòng thuế, ủy ban phường… cùng với những mớ giấy tờ nhà đất không phải của mình mà nay của người này, mai của người kia. Nhân viên ở đấy nhìn ông với ánh mắt nghi ngờ: “ Bộ ông là cò hả?”. Ông trả lời tỉnh rụi: “Hổng phải cò, tổ trưởng tổ dân phố đi làm giùm bà con thôi”. Tới đây, mọi người mới tròn mắt nể ông tổ trưởng quá nhiệt tình này.
Hồi năm 2000, khi kẻ xấu rải truyền đơn với nội dung kích động người dân xóm đạo, ông Trọng đến từng nhà giải thích, ổn định tâm lý cho bà con giáo dân.
- Chuyện của anh Thành
Tại giáo xứ Sao Mai, có anh Nguyễn Văn Thành nổi tiếng là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vì đã gắn bó với công việc tổ dân phố suốt hơn 20 năm qua. Nhớ dạo năm 1986, anh Thành mới chân ướt chân ráo từ Đồng Nai về TPHCM sinh sống, anh không khỏi tự ti vì: “Mình là dân chân quê võ biền, hộ khẩu chưa có, tư cách gì đâu mà tham gia đoàn thể?”. được Linh mục Chánh xứ Sao Mai khuyến khích tham gia hoạt động xã hội, anh quyết định vào cuộc. Càng tham gia công tác xã hội từ thiện và gắn bó mật thiết với chính quyền địa phương, những e dè ban đầu đã qua đi, thay vào đó là ngọn lửa nhiệt tình cháy mãi...
Anh bảo: “Tuổi trẻ như mình mà không lao vào cuộc, cứ để người già chân yếu, mắt mờ lo cho mình, ai coi được…”. Gặp những thanh niên tự ti mặc cảm, anh lấy kinh nghiệm bản thân khuyên nhủ họ. Anh Thành còn làm tổ trưởng tổ dân phố 35, rồi được bầu làm phó Ban điều hành khu phố 4, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ và đại biểu Hội đồng Nhân dân phường. Anh tâm sự: “Nhiều người bảo tôi là người tham công tiếc việc, tôi thì nghĩ đơn giản rằng mình là một công dân Việt Nam và một giáo dân bình thường như bao người khác thì phải sống sao cho tốt đạo đẹp đời…”.
- Khi “cầu nối” đạo- đời liền nhịp
Anh Nguyễn Phú Phước, Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch HĐND phường 7 Tân Bình, bộc bạch: “Ban đầu về đây nhận nhiệm vụ, tôi không khỏi lo lắng vì đây là địa bàn đa số là đồng bào theo đạo. Nhưng có một thực tế tuyệt vời là khi giáo xứ và bà con giáo dân đã ủng hộ chính quyền thì hoạt động nào, phong trào gì cũng thực hiện thành công…”. Khu phố 4 là địa bàn có đến 85% dân số là người công giáo nhiều năm nay luôn là khu phố xuất sắc trong phong trào hiến máu nhân đạo.
Sở dĩ có được thành tích đó là do Linh mục Chánh xứ vẫn hàng ngày nhắn nhủ với giáo dân rằng hãy coi việc hiến máu như một tấm bánh bẻ ra chia sẻ sự sống cho bao người. Và khi địa phương phối hợp với giáo xứ phát động phong trào hiến máu nhân đạo, đông đảo bà con giáo dân nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có nữ tu hiến máu đến 4-5 lần (nữ tu Kiều Thị Lương) và nhiều giáo dân khác đã tự nguyện hiến máu 10 lần trở lên (ông Ngô Văn Thịnh ở tổ 29, anh Nguyễn Thành Sĩ ở tổ 27, anh Vương Văn Sáng ở tổ 34…).
Rảo bước trên những con hẻm quanh co trong xóm đạo phường 7 quận Tân Bình trong những ngày Giáng sinh đang đến gần này, chúng tôi không còn thấy cảnh bùn lầy nước đọng mà thay vào đó là con đường bê tông nhựa hóa sạch đẹp. Con đường xung quanh các nhà thờ đều đã được nâng cấp. Tháng 10-2005, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng trong khu vực đã được thay mới với kinh phí hơn 45 triệu đồng do bà con giáo dân đóng góp. Mùa Noel năm nay, ngoài những cây thông Noel, hang đá lấp lánh, người dân xóm đạo còn có cả hệ thống đèn cao áp chiếu sáng nơi nơi, thêm vào đó là 98% hộ dân đã có nước sạch khiến niềm vui như được nhân đôi.
MINH NGỌC-MAI HƯƠNG