Ngày 27-8, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã có báo cáo về tình hình trồng và bảo vệ rừng, kết quả xuất khẩu lâm sản, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng… trong 8 tháng năm 2019, gửi các cơ quan truyền thông báo chí.
Theo báo cáo này, tính đến ngày 20-8, Quỹ dịch vụ môi trường rừng cả nước đã chi trả khoảng gần 2.300 tỷ đồng cho 54.167 đối tượng là các tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng, người trồng rừng trên cả nước thông qua tài khoản ngân hàng (chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt).
Cụ thể, đến ngày 20-8, cả nước có 1.342 chủ rừng là tổ chức được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, số tiền đã giải ngân là 1.975,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Số tiền được chuyển khoản 100% qua tài khoản ngân hàng.
Đối với hộ gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng, hiện đã mở được 44.095 tài khoản ngân hàng, giải ngân được 159,056 tỷ đồng.
Còn với các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được khoán quản lý bảo vệ rừng, hiện đã mở được 8.730 tài khoản ngân hàng và giải ngân được 144,138 tỷ đồng.
Về thu bổ sung cho Quỹ dịch vụ môi trường rừng, tính đến ngày 20-8, cả nước đã thu được 1.835,7 tỷ đồng - đạt 57,36% kế hoạch thu năm 2019, nhưng vượt 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Kết quả giải ngân tính đến ngày 20-8, quỹ của các tỉnh đã giải ngân được 2.281 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch năm 2018; đối với nguồn năm 2019, đã tạm ứng cho chủ rừng là 161 tỷ đồng.
Tiền dịch vụ môi trường rừng là phần thù lao, công sức cho những người đã có công trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tương ứng với phần giá trị mà rừng mang lại, do các đối tượng hưởng lợi từ rừng chi trả.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến ngày 22-8, cả nước đã trồng được 135.867ha rừng tập trung (đạt 64,0% kế hoạch năm) và 37,2 triệu cây phân tán các loại. Chăm sóc 476.397ha (rừng trồng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất). Khoán bảo vệ rừng: 5.559.681ha rừng.
Tuy nhiên, kết quả phát triển rừng năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 do nắng nóng. Một số tỉnh đang trong mùa vụ trồng rừng, có diện tích kế hoạch trồng rừng lớn bị giảm so với cùng kỳ năm 2018, cụ thể: Cao Bằng (giảm 1.258ha); Lào Cai (giảm 1.381ha); Quảng Ninh (1.544ha); Thanh Hóa (giảm 1.419ha); Hà Tĩnh (giảm 1.815ha); Quảng Bình (giảm 2.729ha); Bình Thuận (giảm 915ha); Gia Lai (giảm 2.016ha).