Chuyên gia kinh tế: TPHCM phát triển chậm lại là một nghịch lý

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vai trò vị thế của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam suy giảm là một nghịch lý.  
Ngày 9-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Thành ủy – UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020.
Chuyên gia kinh tế: TPHCM phát triển chậm lại là một nghịch lý ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có tình trạng “mạnh ai nấy làm”

Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vai trò vị thế của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam suy giảm là một nghịch lý. Chuyên gia cho rằng, một vùng trọng điểm, dẫn đầu, đi đầu trong năng lực cạnh tranh quốc tế của cả nước lại sụt giảm ở nhiều chỉ số quan trọng trong một thời gian dài là điều đáng suy nghĩ. 
Từ đó, ông chỉ ra các địa phương trong vùng còn thiếu cơ chế đặc thù phù hợp; không chỉ thiếu ngân sách mà còn thiếu tự chủ trong việc điều hành phát triển; thiếu nguồn lực hỗ trợ đúng tầm; thiếu quy hoạch vùng; thiếu liên kết sức mạnh giữa các địa phương trong vùng để cùng nhau phát triển mà có tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Ông đề xuất cần trao quyền chủ động, sáng tạo và trao nguồn lực nhiều hơn cho vùng, cho các tỉnh thành trong vùng.
Chuyên gia kinh tế: TPHCM phát triển chậm lại là một nghịch lý ảnh 2 TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, TS Trần Đình Thiên chỉ ra trong vùng không chỉ hình thành Trung tâm tài chính mà còn là Trung tâm thương mại quốc tế. Từ đó hội tụ sức mạnh vào vùng này cao hơn, nhanh hơn bao giờ hết. Trong khi hiện nay, chúng ta chưa có chương trình gì về việc thành lập Trung tâm Thương mại quốc tế.

Cùng lo lắng về sự sụt giảm các chỉ số phát triển của vùng, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lo lắng, hiện nay vai trò, đóng góp của vùng đang giảm dần. Theo ông, nếu vùng này không còn đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế-xã hội thì đó là thiệt hại cho cả nước. Từ đó, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh rằng cần tiếp tục định vị vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như thống nhất quan điểm phát triển khai thác nguồn lực của vùng không vì tự thân vùng này mà vì sự nghiệp chung của đất nước. Hiện nay, vùng này vẫn còn dư địa và khả năng phát triển.

TS Trần Du Lịch cũng nhắc lại đề xuất của ông cách đây 15 năm đã đề nghị hình thành tứ giác kinh tế gồm: TPHCM – Bình Dương – Đồng Nai – Vũng Tàu. Ông đề nghị thêm, hiện nay phải hình thành Vành đai công nghiệp đô thị từ Tây Ninh – Bình Dương – Đồng Nai – TPHCM – Bà Rịa - Vũng Tàu. Vành đai này gắn kết với tuyến đường giao thông Vành đai 4. Đồng thời đề nghị có nghiên cứu chuyên sâu để làm đường Vành đai 4 bằng hình thức huy động nguồn lực tư nhân. “Hôm nay chúng ta không phải xin thêm ngân sách mà xin cơ chế để vùng này tạo ra tiền và phát triển hơn”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. 

Chuyên gia kinh tế: TPHCM phát triển chậm lại là một nghịch lý ảnh 3 TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cần có Nghị quyết mới thay thế
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chỉ ra nhiều nguyên nhân không đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 53. Đó là hạ tầng vùng không được đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các chỉ tiêu đề ra đều có điều kiện đi kèm đó là đầu tư cho hạ tầng vùng nhưng không được đầu tư thoả đáng.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chi ngân sách trên tổng thu ngân sách của vùng ở mức thấp (25-26% tổng thu); thể chế liên kết vùng chưa đủ mạnh, chưa đủ cơ sở pháp lý để gắn quyền lợi, trách nhiệm của địa phương trong vùng, chủ yếu là liên kết dọc từ Trung ương xuống địa phương, thiếu liên kết ngang giữa các địa phương trong vùng. Đồng thời, việc phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch vùng chưa chặt chẽ. Một nguyên nhân lớn nữa làm sụt giảm kinh tế cũng vùng trong 2 năm gần đây đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19…
Từ đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM kiến nghị, về thể chế cần đổi mới mang tính đột phá về tư duy phát triển kinh tế-xã hội vùng, thay cho tư duy kinh tế-xã hội địa phương thông qua cơ chế điều hành và phân bổ ngân sách. “Cần thống nhất quan điểm muốn đi xa và bền vững thì phải đi cùng nhau, cùng phát triển cả vùng”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói điều này với mong muốn các địa phương thấy được trách nhiệm, quyền lợi trong sự phát triển chung của vùng.
Cùng với đó, ông đề xuất thêm, thể chế liên kết vùng phải lấy quy hoạch làm cơ sở pháp lý để điều phối và liên kết vùng. Khi lập quy hoạch vùng cần chú ý phát huy tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Bên cạnh đó là cần có giải pháp đồng bộ về đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội.
Đồng thời, tăng thêm nhiều dự án đầu tư mang tầm ảnh hưởng của cả vùng. “Vừa qua Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3, các tỉnh trong vùng liên kết với nhau rất chặt chẽ. Cho nên chúng ta cần có thêm nhiều dự án tương tự như vậy như đường Vành đai 4, cao tốc liên vùng; tuyến đường ven sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ; tuyến đường sắt nội vùng, liên vùng, tuyến đường biên giới… chắc chắn sẽ thúc đẩy vùng phát triển”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận định.
Chuyên gia kinh tế: TPHCM phát triển chậm lại là một nghịch lý ảnh 4 PGS.TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Song song đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM kiến nghị cần tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho vùng nhiều hơn nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và phát huy tiềm năng của vùng. Cùng với đó lập quỹ đầu tư hạ tầng cho vùng và hoàn thiện Luật Ngân sách nhà nước; khuyến khích đầu tư theo công thức đối tác công tư để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng cho vùng.
Cuối cùng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân khẳng định, Vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần một Nghị quyết mới thay Nghị quyết 53. Điều này mở ra cơ hội mới, cơ chế mới phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng. “Các cơ chế này phải đặt trong bối cảnh có sự cạnh tranh quốc tế rất cao giữa các nước trong khu vực”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đồng tình với đề xuất này, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, cần có Nghị quyết mới để tiếp tạo động lực cho vùng phát triển hơn; cùng với đó hình thành cơ chế điều phối vùng để phát huy nguồn lực. Đối với liên kết phát triển vùng, ông đề nghị củng cố Ban Chỉ đạo và Hội đồng vùng, xây dựng thêm bộ phận nghiên cứu tư vấn cho vùng. Đồng thời quan tâm đến cơ chế phối hợp một thị trường lao động chung cho cả vùng, hệ thống đào tạo và có kết nối chung, không chia cắt theo địa phương.
TS Trần Du Lịch kiến nghị cần phối hợp tốt 4 nội dung liên kết về quy hoạch phát triển, nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông và môi trường trong quy hoạch của vùng.

Trung tâm Tài chính TPHCM vào danh sách xếp hạng thế giới

Về vai trò của Trung tâm Tài chính TPHCM, TS Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, cần tập trung ưu tiên vào các chính sách đột phá để không bỏ lỡ cơ hội đưa vùng nói riêng, Việt Nam nói chung nâng tầm phát triển trong khu vực và trên thế giới. 

Chuyên gia này nói rằng, TPHCM là địa phương duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng quốc tế theo chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (Global Financial Center Index – GFCI) - xếp hạng quốc tế duy nhất về các trung tâm tài chính trên thế giới. Tháng 3-2022, lần đầu tiên TPHCM đã được chính thức đưa vào danh sách xếp hạng này.

Từ đó, Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, để Trung tâm Tài chính TPHCM cải thiện năng lực cạnh tranh cần có sự hội tụ phát triển mạnh của các tổ chức tài chính phát triển hoạt động đa thị trường, đa lĩnh vực, đa dịch vụ… theo mô hình tập đoàn tài chính. Để làm được điều này, cần có những chính sách để đột phá hơn nữa; cũng như có khung pháp lý trong lĩnh vực tài chính số, đặc biệt ngân hàng số. Đồng thời, cần đặt đề ra án xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh với sự tham gia của TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ. Việc này cũng thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng giữa TPHCM với các tỉnh thành khác trong khu vực…

Tin cùng chuyên mục