Chuyển giao bản đồ nguy cơ lũ quét cho 19 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên
SGGPO
Sáng 3-11, tại Quảng Ngãi diễn ra hội thảo Chuyển giao bản đồ nguy cơ lũ quét của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu thực hiện trên 19 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên.
Tại hội thảo đã thực hiện chuyển giao bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét tỉnh Quảng Ngãi cho Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Hoàng Minh Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Tài nguyên nước (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu) cho biết: “Việc xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét tỷ lệ 1/50.000 thực hiện trên 19 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên là bản đồ mang tính chất cảnh báo. Bản đồ sẽ chỉ ra các vùng có khả năng xuất hiện lũ quét căn cứ theo các tổ hợp yếu tố tham gia hình thành lũ quét, trong đó yếu tố độ dốc và lượng mưa là cơ sở lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét”.
Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét tỉnh Quảng Ngãi
Bản đồ này được xây dựng dựa trên việc thành lập bản đồ phân vùng phòng hộ của thảm phủ, sử dụng tư liệu ảnh vệ tinh Landsat-8 năm 2014, bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh, bản đồ đất, bản đồ nguy cơ xói mòn đất theo 5 cấp độ... cùng nhiều nghiên cứu khác.
Đồng thời, bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét thể hiện phân vùng lượng mưa, nghiên cứu lượng mưa tương quan theo giờ với lượng mưa 1 ngày lớn nhất. Từ đó, suy ra tần suất P=5%, P=10%... rồi căn cứ vào đó để tính toán, quy hoạch cảnh báo nguy cơ lũ quét. Về phân cấp nguy cơ lũ quét sẽ chia làm 5 cấp, cấp 1 rất cao, cấp 2 cao, cấp 3 trung bình, cấp 4 thấp và cấp 5 ít có khả năng xảy ra.
Phân vùng nguy cơ lũ quét 19 tỉnh, thành
Tại hội thảo Chuyển giao bản đồ nguy cơ lũ quét, các đơn vị đài khí tượng thủy văn các tỉnh, BCH PCTT&TKCN các tỉnh đã tham gia góp ý những vấn đề mà bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét vẫn chưa làm được. Trong đó, bản đồ vẫn chưa nghiên cứu động lực học, sự tàn phá của lũ quét, đặc biệt là ảnh hưởng lũ quét đến vùng hạ du và ảnh hưởng sạt lở đất. Ông Hoàng Minh Tuyển cũng nhận định bản đồ chưa chi tiết hóa cụ thể đến cấp xã, thôn.
Trong thời gian đến, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu sẽ thực hiện chuyển giao trên các dạng bản đồ khác nhau với tính ứng dụng cao như dạng bản giấy, dạng số, dạng ảnh… Đặc biệt, sự ra đời của dạng số sẽ hỗ trợ độ phân giải ảnh tối đa đến tận thôn, bản.
Trong nhiều năm qua, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu xây dựng bộ bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011-2013 đã hoàn thành chuyển giao bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét cho 14 tỉnh miền núi Phía Bắc; giai đoạn 2 từ năm 2013-2017 xây dựng chuyển giao bản đồ cho 19 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên và đang hoàn thành chuyển giao.