Chuyện hồi mình ở R

Việc chọn căn cứ địa cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là một yếu tố quyết định thành bại mà các nhà lãnh đạo cách mạng đã suy tính rất kỹ. Đông Nam bộ là một địa bàn chiến lược quan trọng hàng đầu.

Rừng Đông Nam bộ đã thành căn cứ kháng chiến với một loạt chiến khu đã đi vào lịch sử: chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu Rừng Sác, chiến khu R. Tổng hành dinh của các cơ quan lãnh đạo đầu não cách mạng miền Nam trên đất miền Đông. Tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời tại chiến khu Bắc Tây Ninh…

Chuyện hồi mình ở R ảnh 1 Các cán bộ Đài Phát thanh Giải phóng về thăm lại khu căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam 
Việt Nam ở Tây Ninh
 Ở chiến khu R, đường rừng như trận đồ bát quái. Những người là dân đồng bằng đến rất dễ bị lạc đường. Chỉ có những anh chị em giao liên là không hề quên bất cứ con đường nào, kể cả những con đường mòn đầy lá khô mà trước đó chưa từng có dấu chân người.

Những năm đầu ở R chỉ có đi bộ. Đi từ căn cứ của cơ quan này qua cơ quan kia, giao liên đưa công văn, thơ từ, nhân viên các cơ quan đi tải gạo… đều đi bộ. Những năm sau thì có xe đạp. Nhà báo Úc Buerchette, nhà văn Pháp Maddelen Riffauf, nhà văn Ba Lan Monica Varneska viết hồi ký khi thăm vùng giải phóng đều kể về điều thú vị nhất là được ngồi đằng sau xe đạp, do anh giao liên ốm nhách, cao nhòng, đội mũ tai bèo, quàng súng AK chở chạy khắp nơi trong rừng.

Hội trường Ấp Bắc bên cạnh suối Cây có thể chứa hàng ngàn người, mái được lợp toàn bằng lá trung quân, có hệ thống giao thông hào và hầm tránh bom bảo đảm an toàn cho người trong hội trường.

Ở Xưởng phim Giải Phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ có anh Phan Văn Trước, tên thường dùng là Phan Hùng Dũng, người chuyên chiếu phim. Anh có trí nhớ thật kỳ diệu. Chuyện gì ở R anh cũng nhớ và nhớ rất chính xác. Từ hồi hòa bình tới giờ, có dịp là mấy anh em lại rủ nhau lên vùng căn cứ ngày xưa, để nghe anh Dũng và các anh chị nhắc đủ thứ chuyện.

Nào là chuyện những cơ quan của Trung ương cục miền Nam đều đóng hai bên một con suối. Ban Tuyên huấn thì đóng bên con suối có tên là suối Cây. Không ai biết vì sao nó có tên đó hay chỉ đơn thuần vì có một cây cổ thụ ngã làm cầu cho người ta qua lại…

Ba chục năm sau, khi trở lại thăm căn cứ R, tôi cứ tìm con suối Cây ngày xưa, mà không ai chỉ được chính xác. Có người nói đó là suối Daha bây giờ, chảy qua sau lưng đồn biên phòng Tân Phú. Còn cây cầu Cây chắc đã mục và không còn nữa.

Nhớ sông Vàm Cỏ Đông, nhớ những địa danh Lò Gò, Xa Mát, Xóm Giữa, Bến Ra… Nhớ giữa những cánh rừng lại xen những trảng lớn như trảng Tà Nốt, trảng Tà Xia, trảng Cố Vấn, trảng Bàu Lùng Tung…

Thời ở R, không biết ai là người khởi đầu để đánh tranh, chằm lá trung quân lợp nhà ở. Rồi củng cố và cải tiến các công sự, hầm trú ẩn, từ hầm ếch thành hình chữ chi”Z”, chữ hát “H” để chống hơi dập của bom đạn, làm hầm chữ A để bảo đảm chống sụp hầm, ngộp hơi.

Ở R còn có rất nhiều loại rau rừng, trái cây rừng. Những loại rau trái một thời gắn bó với người ở rừng vì nó là thức ăn, là nguồn nước, là la bàn khi đi lạc... Bọn nhỏ tụi tôi rất rành về rau và trái cây rừng, vì ngoài giờ học, tải gạo, đào hầm thì chúng tôi hay luồn rừng đi hái rau, hái trái cây, đặt bẫy cò ke bắt gà rừng. Lá say, lá bứa, lá vang chua chua để nấu canh ăn. Trái say mà bây giờ ở chợ có bán, ngày đó cũng là trái cây rừng. Trái rõi rất giống măng cụt, chua chua, ngọt ngọt, nhưng ăn nhiều sẽ bị say. Trái viết là loại trái cây rừng ngon nhất. Trái gùi, trái chùm đuông thì có vào mùa hè. Trái trường thì giống như trái vải, nhưng chua hơn. Cây Kơ nia là tên người Tây Nguyên hay gọi một loài cây thì ở rừng Tây Ninh chúng tôi gọi là cây cầy. Dây hà thủ ô, cây sâm đất rang lên để nấu nước uống rất tốt mà còn át mùi bùn của nước giếng… Ôi, biết bao là nhớ…

Anh Phan Hùng Dũng nhớ hoài những lần đi chiếu phim phục vụ các cơ quan Trung ương Cục, các đơn vị bộ đội chính quy và bà con vùng giải phóng. Các điểm chiếu ở cách xa nhau, thời gian đầu chỉ có đi bộ, anh em phải gùi cõng máy móc. Sau này có xe đạp thì đỡ vất vả hơn. Thời tiết khắc nghiệt ở nơi rừng sâu nước độc, ốm đau, bệnh tật, bom đạn của kẻ thù rình rập… Những buổi chiếu phim ở rừng rất đáng nhớ. Hồi đó, tất cả các phim gì ở miền Bắc có thì ở chiến khu cũng có, là phim của Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc. Địa điểm chiếu thường là hội trường Ấp Bắc hoặc hội trường Bình Giã.

Thời gian chiếu được thông báo trước cho các cơ quan. Từ buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, khán giả sẽ tụ hội về hội trường. Cơ quan phân công bộ phận bảo vệ ở xa điểm chiếu phim, khi nghe tiếng máy bay, các anh thổi còi hay đánh kẻng báo động để tắt máy chiếu phim và mọi người tản ra hầm.

Tôi cũng có riêng mình một kỷ niệm về chuyện xem phim ở R. Lần đó, cơ quan tổ chức chiếu bộ phim truyện Nổi gió. Nhưng cứ chiếu một đoạn thì có báo động máy bay, phải dừng lại. Liên tục báo động như vậy mấy lần. Trời đã khuya nên mặc dù khán giả rất nhiệt tình thức chờ, nhưng lãnh đạo cơ quan quyết dịnh ngưng chiếu vì hôm sau còn phải làm việc. Không chỉ một lần, đã hai lần tôi xem phim Nổi gió dở dang như vậy.

Những năm sau, khi ra miền Bắc học, trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, nhà trường cũng tổ chức chiếu bộ phim Nổi gió. Và bộ phim lại bị chiếu dở dang cũng vì báo động máy bay. Để giữ trọn kỷ niệm đó, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hề xem bộ phim Nổi gió một cách trọn vẹn.

Tôi theo má và các anh chị lên rừng từ khi là một cô bé 8-9 tuổi. Khi lên Tây Ninh, nào đâu đã được vô rừng? Vì bảo mật, chúng tôi ở một nơi có tên là Xóm Giữa. Phải mấy tháng sau mới được vô cơ quan.

Và nơi tôi được vô ở, chính là Tiểu ban Giáo dục R, nơi đóng góp trực tiếp vào việc tạo ra nguồn nhân lực, góp phần vào việc nâng cao tiềm lực của cách mạng ở miền Nam, là một bộ phận hợp thành lịch sử giáo dục những năm kháng chiến ở miền Nam. Ở những vùng sớm được giải phóng hay nơi còn tranh chấp, chỗ nào có dân, chỗ đó có hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức. Đội ngũ giáo viên có mặt ở khắp nơi chung sức xây dựng trường lớp, giảng dạy và tham gia kháng chiến.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng lúc sinh thời đã viết về những ngày đầu của nền giáo dục giải phóng và nhà giáo - nguyên Trưởng Tiểu ban Giáo dục miền Nam - Vụ trưởng Vụ Giáo dục của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông Dương Văn Diêu, ba của chúng tôi, như sau: “Tôi không nhớ chính xác ngày tháng mà tôi tiếp đoàn cán bộ giáo dục đầu tiên - hầu hết là các thầy giáo từ Hà Nội vào chi viện cho cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam nói chung, xây dựng ngành giáo dục giải phóng nói riêng.

Một đoàn đông các nhà giáo hoặc tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội, có người quê phía Bắc, có người quê miền Trung, sau nhiều tháng vượt Trường Sơn đói cơm lạt muối, đa số kém sức khỏe, có người bị sốt rét suốt mấy tháng trời, đến trình diện lãnh đạo của Đảng bộ miền Nam. Miền Nam Việt Nam mới đồng khởi, chúng tôi thiếu đủ thứ, phải huy động một lực lượng giáo viên thậm chí sinh viên hoặc học sinh cấp 3 tham dự vào một mặt trận mà đảng đánh giá hết sức xung yếu trong cuộc tranh chấp giữa ta và địch. Với đoàn chi viện này cùng nhiều đoàn chi viện nữa liên tục đổ vào chiến trường, chúng tôi tự thấy mình như lớn mạnh hơn. Trưởng đoàn là đồng chí Dương Văn Diêu, cấp bậc cao nhất trong đoàn là Hiệu trưởng cấp 3 một trường phổ thông ở phía Bắc. Anh Năm Diêu đề xuất với tôi về việc thành lập Trường đào tạo cán bộ giáo dục và Quản lý giáo dục. Tất cả từ bàn tay lao động của anh chị em có thể quen giảng dạy hơn là cầm rựa, cầm cuốc, chằm lá trung quân dựng cơ ngơi cho một bộ chỉ huy giáo dục đạt tầm miền Nam - chủ yếu đạt tầm Nam bộ”.

Tôi nhớ ngày xưa ở rừng, có trà uống là quý, bất kể là trà gì. Đêm trên rừng miền Đông, trời lạnh thấu xương. Chưa kể những cơn sốt rét rừng hành hạ, nỗi hiểm nguy vì bom đạn giặc luôn kề cận…, nghe nhà bên kia rao “có trà Sài Gòn nghen” là cả căn cứ nhộn nhịp hẳn lên… Trong rừng có cách pha trà rất đặc biệt bằng bình toong và ca inox. Mỗi cơ quan đều có một vài “chuyên gia” pha trà rất điệu nghệ…

Những ngày tết hai bên ngừng bắn nên không khí trong chiến khu cũng bình yên hơn. Các cơ quan đều có bộ phận hậu cần, lo mua thực phẩm để liên hoan 3 ngày tết. Các chị thì làm bông giấy trang hoàng cơ quan, làm bánh mứt, gói bánh tét, làm bún, nấu những món ăn trong những điều kiện bộ phận tiếp liệu có thể cung cấp để mọi người ăn tươi hơn ngày thường…

Rồi khi đêm về, tất cả cơ quan ngồi quây quần bên nhau, quanh chiếc radio vừa ăn kẹo, uống trà. Tất cả đều hồi hộp đón đợi giờ khắc giao thừa của năm mới, và chờ nghe giọng thân thương của Bác Hồ đọc thơ chúc tết.

Những năm sau này, tôi biết được rằng, cứ vào những ngày lễ, tết hàng năm, những dòng người lại đổ về thăm lại căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Có những người đã từng chiến đấu, công tác, học tập ở đây đã đành; có cả những người ở nơi khác đến. Có những người chỉ đơn giản là đi thăm vì nghe tiếng đồn… Nhiều người dẫn theo con cháu, như muốn truyền lại một phần ký ức của mình.

Thành phố của chúng ta đón năm mới. Đường phố náo nhiệt, người đi thấy hối hả hơn. Các hàng quán treo đèn, kết hoa. Đường phố nhộn nhịp một cuộc sống thanh bình. Những ngày này tôi nhớ về những kỷ niệm cùng đồng đội hồi mình ở R… 

Tháng 12-2018

Tin cùng chuyên mục