Chuyển tiền vào tài khoản thu phí không dừng: Nên miễn, giảm phí

Mặc dù thu phí tự động không dừng (ETC) là xu hướng tất yếu nhưng khi triển khai còn nhiều bất cập.

Khó chịu với… phí

Anh Nguyễn Văn H. (quận 7, TPHCM) cho biết, anh chuyển tiền từ Citibank vào phần mềm ePass (dùng thanh toán khi qua trạm) 200.000 đồng bị thu phí 6.000 đồng.

Tương tự, chị L.N.N. (quận 12, TPHCM) sau khi chuyển 1 triệu đồng từ Agribank sang phần mềm VETC bị thu phí 10.000 đồng; chuyển 500.000 đồng thì bị thu thêm 5.000 đồng. Chị thử chuyển 200.000 đồng từ ví Momo cũng bị thu 3.000 đồng.

Chị bức xúc: “Mặc dù số tiền không lớn nhưng so với việc chuyển khoản cao hơn. Trong khi nhiều ngân hàng khuyến mãi, miễn phí khi chuyển khoản hoặc có thu cũng chỉ hơn 1.000 đồng/lần chuyển thì nhiều ngân hàng, ứng dụng thanh toán, dựa vào quy định bắt buộc thu phí, không dừng thu tiền bất hợp lý”.

Đa số ngân hàng đều thu phí khi người dân chuyển tiền vào các app thu phí không dừng, chỉ một số ngân hàng như BIDV miễn phí.

Chuyển tiền vào tài khoản thu phí không dừng: Nên miễn, giảm phí ảnh 1 Nhân viên công ty cung cấp dịch vụ ETC hướng dẫn tài xế nạp tiền vào tài khoản giao thông

Thực tế, để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, các ví điện tử thường xuyên khuyến mãi, tặng thêm tiền để khuyến khích khách hàng sử dụng. Sở dĩ ví Momo hay app đặt xe Grab… đều khuyến mãi cộng thêm tiền, giảm giá là do nếu mỗi khách hàng nạp vài chục hay vài trăm ngàn đồng thì với hàng trăm ngàn, hàng triệu khách hàng, số tiền trên tài khoản sẽ rất lớn. Với số tiền lớn, nếu tính lãi suất qua đêm, họ sẽ được lợi.

Miễn, giảm phí để khuyến khích

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện trên ứng dụng của dịch vụ ETC, người dùng nạp tiền vào tài khoản giao thông bắt buộc phải thông qua trung gian thanh toán của VnPay hoặc VNPT và mất phí chuyển tiền.

Ví dụ, chuyển khoản vào ứng dụng của VETC bằng hình thức Mobile Banking hoặc thẻ ATM nội địa qua cổng thanh toán VnPay, người dùng phải trả thêm 1% giá trị giao dịch; nạp tiền bằng thẻ tín dụng, người dùng phải trả thêm 1,77% giá trị giao dịch.

Với ứng dụng ePass, nếu thanh toán bằng thẻ ATM, người dùng phải trả thêm 880 đồng + 0,66% giá trị; nạp bằng thẻ thanh toán quốc tế phải trả 2.000 đồng + 2% giá trị giao dịch… Đây là mức phí không phải do nhà cung cấp dịch vụ VETC đưa ra mà do đơn vị trung gian là ngân hàng hoặc các ví điện tử thu.

Trước những bức xúc của khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ ETC khuyến nghị chủ phương tiện nên sử dụng dịch vụ chuyển khoản miễn phí vào tài khoản ngân hàng của VETC hoặc VDTC bằng hình thức Internet Banking.

Về việc đề nghị các ngân hàng miễn phí nạp tiền vào tài khoản giao thông, ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số VDTC, cho rằng việc này nằm ngoài khả năng của nhà cung cấp dịch vụ ETC. Các nhà cung cấp dịch vụ đã đề nghị Bộ GTVT làm việc với Ngân hàng Nhà nước để thông qua chủ trương miễn phí nạp tiền vào tài khoản ETC, tuy nhiên hiện chưa có kết quả.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, các đơn vị trung gian thu phí không sai, nhưng trong bối cảnh cần khuyến khích sử dụng dịch vụ thu phí ETC, các đơn vị liên quan nên tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân bằng cách miễn hoặc giảm đến mức thấp nhất phí chuyển tiền vào tài khoản giao thông. Các đơn vị cần ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước một cách thiết thực bằng việc chia sẻ phần lợi nhuận với khách hàng.

Về việc xe người dân nằm nhà nhưng vẫn bị trừ phí, có ý kiến cho rằng, việc giải thích do bị xe khác sử dụng biển số giả là không hợp lý, bởi việc thu phí qua app không dựa vào biển số mà dựa vào tem dán trên xe. Mỗi tem có 1 mã QR thì không thể có chuyện xe khác dùng biển số giả qua trạm và bị trừ tiền.

Trả lời vấn đề này, đại diện VDTC cho biết, ngoài hình thức hệ thống thu phí tại trạm đọc thẻ ePass dán trên xe bằng sóng radio, VDTC dùng thêm giải pháp nhận diện qua biển số xe làm phương án dự phòng. Khi thẻ ETC dán trên xe biển số giả không đọc được, đơn vị thu phí phải sử dụng hình thức kiểm tra biển số để trừ phí khiến số tiền trừ vào thẻ của chủ xe biển số thật. Hiện VDTC đã tắt tính năng nhận diện biển số khi giao dịch tại những tuyến đường xảy ra tình trạng trên, tra soát để đảm bảo xe không dán thẻ thì không giao dịch.

Liên quan đến việc chấn chỉnh, xử lý lỗi từ phía trạm thu phí, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, cần cân bằng trách nhiệm giữa 2 bên là tài xế và đơn vị cung cấp dịch vụ; đồng thời các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định để có chế tài xử phạt cụ thể đối với trường hợp nhà cung cấp dịch vụ bị lỗi kỹ thuật, gây thiệt hại, phiền toái cho khách hàng.

Tin cùng chuyên mục