Chuyện tình xa xứ: Hoàn cảnh làm thay đổi con người!

Chuyện tình xa xứ: Hoàn cảnh làm thay đổi con người!

Ngay từ những cảnh đầu tiên, bộ phim Chuyện tình xa xứ đã cho người xem cảm nhận về một phong cách làm phim kiểu Mỹ. Rõ ràng trước đó, báo giới nói riêng và những nhà chuyên môn nói chung, đã không mấy tin tưởng vào sự thuyết phục của một bộ phim “gắn mác” Việt kiều. Các phim này thường là một cái nhìn ngây ngô, xa lạ về đất nước, con người, như một bài thi tốt nghiệp, mà không ít Việt kiều về nước làm phim trước đây. Nhưng rõ ràng càng xem, bộ phim càng tạo được sức hút đối với khán giả. Tiết tấu nhanh, những pha quay cận nhân vật, âm nhạc sôi động trẻ trung, diễn viên diễn xuất tự nhiên và đặc biệt cốt truyện được xây dựng khá ấn tượng, đã làm nên sự thành công cho bộ phim này.

Tất nhiên, có thể với nhiều bạn trẻ Việt Nam đã từng đi du học nước ngoài, bộ phim phản ánh chưa đủ, chưa chân thực về đời sống của du học sinh ở một đất nước xa lạ. Những bỡ ngỡ, khó khăn để có thể hòa nhập hầu như không được đề cập trong bộ phim. Nhưng dường như nhà làm phim tin rằng với một cốt truyện ấn tượng, nhược điểm này có thể sẽ được lướt qua. Bộ phim tập trung khai thác câu chuyện tình cảm với những biến cố làm thay đổi nhận thức của các bạn trẻ. Sức thuyết phục của bộ phim chính là ở sự khai thác tâm lý này.

Chuyện tình xa xứ: Hoàn cảnh làm thay đổi con người! ảnh 1
Bình Minh vai Khang và Kathy Uyên vai Tiffany trong “Chuyện tình xa xứ”.

Hai chàng trai Hiếu và Khang là những nhân vật trung tâm tạo nên một câu chuyện tình trẻ trung và gần gũi với tâm lý khán giả. Những nhân vật chính Khang, Hiếu, Tiffany, Jennifer, Thảo đã được các diễn viên Bình Minh, Huy Khánh, Kathy Uyên, Ngọc Diệp và Tăng Bảo Quyên diễn khá tròn vai. Diễn xuất đạt nhất phải kể đến Bình Minh vai Khang, một cậu công tử con nhà giàu chỉ biết nhậu nhẹt và mê gái. Vừa là nhân vật chính vừa đóng vai người dẫn chuyện trong phim, Bình Minh đã tạo nên một nhân vật Khang đầy thuyết phục.

Dù là một anh chàng phóng đãng, hư hỏng, song đạo diễn đã không để cho nhân vật này có tính cách một chiều. Anh ta sống hòa đồng và có tình với bạn bè, dù cho người bạn đó không cùng đẳng cấp với anh ta. Chi tiết anh ta cho cô bồ xuống dọc đường chỉ vì cô ta có thái độ coi thường bạn của anh ta, chứng tỏ đây là một con người có nghĩa khí. Có lẽ chính tính cách này là tiền đề để đạo diễn tạo nên sự thay đổi của một con người.

Khang dần biến đổi, sống có trách nhiệm, hiểu được giá trị của tình yêu, của sức lao động do chính mình làm ra, khi anh gặp được một người có cá tính đặc biệt, đủ sức làm thay đổi nhận thức của anh ta.

Ngược lại, Hiếu - một thanh niên với tính cách giống như tên của mình, hiếu thảo, sống mẫu mực, học giỏi, chung thủy, cũng có một quá trình thay đổi nhận thức khi lâm vào một hoàn cảnh cụ thể. Hiếu vẫn chăm chỉ học hành khi đến Mỹ, nhưng rồi khi anh tiếp xúc với một cô gái xinh đẹp, con gái của chủ một tiệm làm nail ở Mỹ, cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ khi là chỗ dựa cho một cô gái yếu đuối, anh đã ngã lòng và phản bội tình yêu ở quê nhà. Và đến khi buộc phải lựa chọn giữa 2 người con gái, anh cũng không thể quyết định được tình cảm thực sự của mình nghiêng về ai. Một người thiếu bản lĩnh thì cuối cùng sẽ phải trả giá…

Hoàn cảnh làm thay đổi con người, có những quyết định sẽ làm thay đổi số phận của chính bạn. Đó chính là thông điệp mà bộ phim gửi gắm đến các bạn trẻ đang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, ngưỡng cửa tình yêu. 

Ở dàn diễn viên bao, bà Kim (vai mẹ Hiếu) và ông Hoàng (vai bố Khang), đã được những diễn viên gạo cội là Kim Xuân và Văn Phúc thủ vai. Họ đã làm nên một dàn bao vững chắc với diễn xuất chuyên nghiệp, có duyên. Đặc biệt là vai ông Hoàng, một ông bố phảng phất bóng dáng của khá nhiều đại gia hiện nay, giàu có, chuyên dùng tiền để chi phối mọi thứ, kể cả con cái. Họ đã tạo nên “sản phẩm” là những cậu con công tử chỉ biết ăn chơi, lêu lổng… Những phân đoạn miêu tả sự gặp gỡ, đối thoại giữa hai cha con ông Hoàng và Khang khá thuyết phục.

Cũng không khó để nhận ra bộ phim đã dùng đến những xảo thuật để che giấu những bất cập trong phim. Nước Mỹ, nơi hai cậu sinh viên Hiếu và Khang tới du học, dường như không mấy choáng ngợp, may ra sang hơn ở Việt Nam một chút. “Nước Mỹ” trong “Chuyện tình xa xứ” phảng phất hình ảnh khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Và đó cũng là lý do vì sao trong phim chủ yếu sử dụng góc quay hẹp để mô tả cuộc sống, sinh hoạt của các nhân vật ở nước Mỹ .

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục