Mười cô gái mới ngoài đôi mươi, được người dân xã tín nhiệm thành lập trung đội pháo mười hai ly bảy (12,7mm) đã chiến đấu như những người anh hùng. Chỉ trong vòng 2 tháng, những cô gái làng quê thôn Bàu Một, xã Tiến Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình đã bắn cháy 3 chiếc máy bay của kẻ thù. Thành tích như huyền thoại ấy được Bác Hồ viết thư khen ngợi.
Năm 1967, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Xã Tiến Hóa có con sông Gianh bị đánh phá đêm ngày. Trai tráng đã lên đường đánh giặc, còn lại phụ nữ, người già, trẻ nhỏ ở lại sản xuất nuôi quân. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã thành lập trung đội pháo 12,7mm để đáp trả những đợt bắn phá điên cuồng của không quân Mỹ. Trung đội ấy gồm mười cô gái chân lấm tay bùn, tự nguyện vào đơn vị. Tháng 7-1967, họ tuyên thệ trước quốc kỳ, được cấp trên biên chế 3 khẩu pháo, đặt ở các địa danh Lèn Bảng, Cồn Đá, Cồn Phủ (Tiến Hóa).
Ngày sản xuất, đêm huấn luyện, cả mười cô gái ai nấy đều trung trinh lời thề yêu nước. Bà Nguyễn Thị Bích Hội (67 tuổi), nguyên Trung đội trưởng nhớ lại: “Luyện tập hăng say, ai nấy cùng sôi sục chí căm thù. Pháo được đưa về, phải bố trí đúng địa điểm mới bắn được máy bay địch. Suy nghĩ mãi, chúng tôi quyết định một khẩu pháo đặt ở điểm cao nhất của hòn núi Lèn Bảng bên dòng sông Gianh”.
Hồi ức của người trung đội trưởng nữ ấy là việc kéo pháo bằng dây thừng bện từ lác, bộ phận nào tháo rời ra được sẽ được cõng lên núi. Ròng rã mấy ngày liền, mười cô gái đã đưa được khẩu pháo lên núi Lèn Bảng cao hàng trăm mét như một kỳ tích của tuổi xuân trong sáng.
Các cô được chia làm 3 đội trực ở 3 ụ pháo. Máy bay bắn phá điên cuồng. Ngày 15-8-1968, một tốp phản lực F4H bay từ biển Đông vào, nhào lộn bên những rặng núi đá vôi cắt bom xóa trắng làng mạc. Chúng không ngờ, phía trước có “con rồng lửa” đang đợi ở đỉnh Lèn Bảng hùng vĩ. Những cô gái nén thở, ngụy trang, chờ “con ma” F4H hạ độ cao, trung đội trưởng Nguyễn Thị Bích Hội, phất cờ hô “bắn”. Khẩu đội nhả đạn, “con rồng lửa” bắn trúng mục tiêu, chiếc F4H bị trúng đạn, lảo đảo rơi.
Chiều ngày 22-10-1968, một tốp máy bay do thám bay qua Lèn Bảng, thấy yên tĩnh, chúng ra tín hiệu cho một tốp F4H quần đảo từ rặng núi đá vôi xã Văn Hóa. Chờ tốp bay vào đúng tầm ngắm, những tiếng hô bắn của trung đội trưởng tiếp tục vang lên, đanh thép, hàng loạt đạn bay ra, một chiếc F4H nữa trúng đạn, rơi tan xác. Họ bắn rơi 3 chiếc máy bay của địch bằng sức vóc của những người con gái quen với ruộng đồng, lạ mùi thuốc súng. Thành tích của họ như huyền thoại. Biết tin những cô gái đất lửa Quảng Bình có chiến công xuất sắc, Bác Hồ đã viết thư khen ngợi động viên chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi và căn dặn chớ khinh địch trong vinh quang chiến thắng.
Có một huyền thoại như thế chưa hề được kể với mọi người sinh ra sau chiến tranh. Nước sông Gianh vẫn cuộn chảy về đông. Nhưng công lao ấy thì sao lại quên được. Họ xứng đáng là anh hùng.
Chiến công của họ nức lòng người. Nhưng họ như chưa hề được nhắc nhớ trong nhiều năm qua. Năm 1974, trung đội giải thể, họ về làm xã viên hợp tác xã. Suốt mấy mươi năm đằng đẵng, họ không có chế độ gì. Chúng tôi hỏi vì sao các o không đi làm chế độ, họ chỉ biết cười bảo yêu nước thương nòi chỉ ở trong huyết quản, đánh đổi cả tuổi xuân rồi đi xin chế độ coi sao được. Họ lặng im với ruộng vườn, nay bước qua sáu mươi, bảy mươi tuổi, gắn bó với xóm thôn, chưa hề một lần lên phố thị đông đúc ngược xuôi để xin một tấm bằng công danh với nước. Kể về chiến công bắn rơi máy bay ai cũng hào sảng như việc vừa diễn ra hôm qua. Những kỷ vật của họ nay lưu giữ trong bảo tàng Quân khu 4, cả lá thư khen của Bác Hồ cũng neo chặt ở đó. |
MINH PHONG