
Người chiến sĩ ấy hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên năm 1972. Hơn một năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử cùng di vật duy nhất là cuốn nhật ký bằng thơ. 37 năm nay, cuốn nhật ký ấy vẫn được chị của anh cất kỹ...
Tuổi 18 lên đường ra trận
Vào những ngày cuối tháng 7, khi cả nước đang có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về ngày Thương binh – Liệt sĩ, chúng tôi tìm đến nhà bà Đinh Thị Tuất (tại Đà Lạt), chị ruột của liệt sĩ Đinh Hữu Hợi – tác giả của cuốn nhật ký bằng thơ. Trên bàn thờ là bức chân dung trắng đen của liệt sĩ Đinh Hữu Hợi, gương mặt còn rất trẻ.

Liệt sĩ Đinh Hữu Hợi.
Bà Tuất mở ngăn tủ lấy cuốn nhật ký cẩn trọng đặt lên bàn thờ, thắp nén nhang cho hương hồn người đã hy sinh, rồi kể: “Cậu Hợi là em kế tôi và là con trai duy nhất trong nhà. Ngày đó, gia đình tôi thuộc loại nghèo ở xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 1965, khi vừa 18 tuổi, học hết lớp 8, chuẩn bị lên lớp 9 (hệ 10/10), nghe tin xã tuyển thanh niên xung phong, cậu Hợi đã tự nguyện xin gia nhập, rồi lên huyện tập trung, nhập ngũ và vào thẳng chiến trường Quảng Trị… Từ đó đến ngày hy sinh, cậu chỉ về thăm nhà có 2 lần vào năm 1967 và 1971 khi đi B lần thứ 2. Gia đình cũng chỉ nhận được một lá thư cậu ấy gửi về, một tuần trước ngày hy sinh. May mà cậu ấy còn để lại cuốn nhật ký này…”.
Bà Tuất đưa cho chúng tôi xem cuốn nhật ký nhỏ, giấy đã đổi màu vàng úa, có nhiều vết loang vì thấm nước, nhiều dòng chữ mực đã mờ phai không đọc được. “Tháng 11-1973, một năm rưỡi sau ngày cậu Hợi hy sinh, gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử kèm theo cuốn nhật ký. Lúc đó bố mẹ tôi đi vắng nên tôi trực tiếp đứng ra nhận. Sợ bố mẹ đau xót mỗi khi nhìn thấy cuốn nhật ký, nên tôi đã cất giấu nó xuống đáy rương, giữ được đến bây giờ…” – bà Tuất tiếp.
Những vần thơ giữa vùng lửa đạn
Chúng tôi cẩn thận lần giở từng trang nhật ký – di vật thiêng liêng và mang nhiều thông tin quý giá về những tháng ngày chiến đấu của người lính trẻ Đinh Hữu Hợi. Phần chính của cuốn nhật ký gồm 26 bài thơ được anh viết chủ yếu vào khoảng thời gian năm 1971 đến đầu năm 1972.
Những bài thơ nơi chiến trận của anh có thể chưa thật hay nhưng mang trong đó những suy nghĩ, những tâm tư, tình cảm rất thật của một người lính trẻ.
Trước hết, đó là sự nhớ nhung khi rời quê hương lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; là tình yêu, niềm tự hào và lòng biết ơn đối với tình cảm và sự giúp đỡ của người dân trên những chặng hành quân gian khổ. Đó là niềm tự hào về dòng sông Lam kiên cường: “Ôi dòng sông Lam quê hương ta đó/ Nay vẫn như xưa vẫn đẹp bao tình/ Đối với ta, sông vẫn hiền lành/ Đối với Mỹ, sông biến thành sức mạnh/ Sóng căm hờn từ lòng sông cuồn cuộn/ Khi nhìn thấy quân thù đến gieo rắc đau thương/ Thành phố Vinh vẫn đứng kiên cường/ Bom đạn Mỹ không thể làm ta nhụt chí…”.
Còn đây là vần thơ ca ngợi vùng đất Tây Nguyên bất khuất trước bom đạn quân thù: “Ôi Tây Nguyên quê hương bất khuất/ Của những con người anh dũng năm xưa/ Nay là những vần thơ cách mạng/ Nay cũng là những lời ca trong sáng/ Vẫn vang lên rung động cây rừng/ Vẫn hát lên như đón như mừng/ Ngày chiến thắng lẫy lừng trong bão táp”.
Một lần khác, cảm động trước sự quý mến, đón tiếp ân cần của người dân khi đơn vị hành quân đi qua và nghỉ lại làng Kim Sen, anh viết: “Nhường những cái giường hóng mát hôm nao/ Nay để lại cho các anh về ở…”.
Từ lòng tự hào về truyền thống yêu nước, người lính trẻ đã thể hiện quyết tâm hiến dâng thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc: “Quyết xông pha trong trận tuyến/ Hiến dâng mình vì nhiệm vụ thiêng liêng/ Tổ quốc giao cho vang lệnh truyền/ Xung phong tiêu diệt, tiến lên không ngừng/ Vì tự do, vì hòa bình/ Đất nước tươi đẹp quên mình vì dân…”.
Một phần quan trọng khác trong cuốn nhật ký của Đinh Hữu Hợi là phần “Ghi nhớ”. Thông qua phần này mà chúng tôi biết được đơn vị của anh đã hành quân qua nhiều tỉnh, đóng quân tại nhiều nơi, cả trên đất bạn Lào như: Khăm-muộn, Xa-van-na-khẹt, Thà-khẹt, A-ta-pư…
Đặc biệt, những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1972 được anh ghi lại khá chi tiết: “Ngày 14-4-1972 giải phóng hoàn toàn thị xã Bình Long và vây chặt quân thù ở thị trấn Châu Thành; ngày 23-4-1972 giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh, bản thân chốt giữ ở cao điểm 759 phía Nam Đắc Tô…; ngày 2-5 đến cao điểm 5; ngày 3-5 đến T4 (nghỉ lại); ngày 6-5 tới T6B; ngày 11-5 nghỉ bên bờ sông Pô Cô; ngày 12-5 qua đèo Chư Pảh; ngày 13-5 hành quân vào tiếp cận…”.
Ngày 13-5-1972 cũng là mốc cuối cùng của cuốn nhật ký.

Bút tích trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Đinh Hữu Hợi.
Chị và em
Bà Tuất kể: “Hai năm sau ngày nhận được giấy báo tử, gia đình mới nhận được Huân chương chiến công của cậu Hợi. Bố tôi đinh ninh “thằng Hợi còn sống, còn được thưởng huân chương đây”. Từ đó, gia đình tôi đã nhiều lần liên hệ với ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên để hỏi thông tin về cậu Hợi nhưng không được…”.
Năm 1984, bà Tuất chuyển vào Lâm Đồng công tác. Hàng ngày, ngoài thời gian lo công việc, bà luôn để ý nghe ngóng, tìm hiểu thông tin về phần mộ người em liệt sĩ. Vì trong giấy báo tử chỉ ghi “hy sinh tại mặt trận phía Nam”, không rõ khu vực cụ thể nên rất khó tìm manh mối. Hễ nghe ở đâu có thông tin liên quan là bà Tuất lập tức đến thăm nắm, dò hỏi. Nhiều lần một mình bà lặn lội sang Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum để hỏi thăm.
Một ngày cuối năm 1995, từ một nguồn tin, bà tức tốc lên đường với chỉ vỏn vẹn 500 ngàn đồng – số tiền người con trai cho để ăn tết. Sang đến Đắc Lắc, bà tìm gặp một người cháu họ, rồi hai người cùng đi sang Gia Lai. Tại đây, các đồng chí trong Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhiệt tình, sốt sắng lục tìm từng tập tài liệu, sổ sách lưu trữ. Và điều kỳ diệu đã xảy ra…
Kể cho chúng tôi nghe về những phút giây hạnh phúc tột đỉnh cách đây gần 25 năm, gương mặt của bà Tuất rạng ngời, vui sướng: “Khi nghe đứa cháu họ la lên “đây rồi, Đinh Hữu…” thì tôi khựng người đi, chân không còn đứng vững… Tôi ở lại Gia Lai 4 ngày thì cả 4 ngày ngồi bên mộ cậu Hợi. Sau này, qua thông tin từ người quản trang, tôi mới biết mộ cậu ấy đã được quy tập về đây đã 6 - 7 năm”.
Từ đó, dù tuổi cao, sức yếu và say xe nhưng bà Tuất thường xuyên lặn lội sang thăm mộ liệt sĩ Đinh Hữu Hợi. Khi quyết định thông tin với chúng tôi về cuốn nhật ký được cất giữ hơn 37 năm nay, ý nguyện lớn nhất của bà Tuất là để lớp trẻ được biết thêm về tinh thần, ý chí và sự hy sinh của thế hệ cha anh, từ đó phấn đấu học tập, làm việc, xây dựng quê hương.
NAM VIÊN