Có cần nhiều bộ sách giáo khoa?

Dự kiến đến tháng 4-2018, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Song, điều khiến nhiều người đặt câu hỏi là sẽ có bao nhiêu bộ sách giáo khoa (SGK) phục vụ chương trình.

Cần biết rằng, kết quả các đợt khảo sát hồi đầu tháng 3-2018 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình hình xuất bản, in và phát hành SGK phổ thông giai đoạn 2012-2017 tiếp tục nêu lại vấn đề về tính khách quan, công bằng trong biên soạn SGK, khi hiện nay Bộ GD-ĐT vừa là cơ quan tổ chức biên soạn, vừa chịu trách nhiệm phê duyệt và ban hành. Việc độc quyền phát hành có thể hạn chế tính cạnh tranh, khó giảm giá thành SGK và nâng cao chất lượng sách giữa các nhóm tác giả biên soạn, còn người tiêu dùng thì không có cơ hội chọn lựa bộ sách phù hợp.     

Giải đáp băn khoăn này, trong hội thảo quốc tế “SGK theo định hướng phát triển năng lực nhìn từ kinh nghiệm quốc tế”, do NXB Giáo Dục Việt Nam vừa tổ chức tại TPHCM, bà Eenariina Hamalainen, giáo viên THPT, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tampere, đồng tác giả của 24 đầu SGK ở Phần Lan, cho biết: “Ở Phần Lan, giáo viên là người chọn bộ SGK phù hợp nhất với học sinh của mình. Điều này buộc những nhà xuất bản phải tiếp thị sách và thuyết phục giáo viên rằng bộ sách đó phù hợp với học sinh của họ”. 

Ngoài ra, trong quá trình biên soạn, các tác giả sẽ tổ chức một số buổi học thực nghiệm nhằm thu thập ý kiến của giáo viên (để có nhận xét mang tính chất sư phạm), học sinh (để các em phát biểu cảm xúc, suy nghĩ khi học với cuốn sách đó, có đoạn nào sách viết mà em chưa hiểu), các chuyên gia, nhân viên tổ chức phi chính phủ (để cập nhật những thay đổi về mặt xã hội). 

Dựa trên các phản hồi, biên tập viên sẽ chỉnh sửa bản thảo để phù hợp hơn với nguyện vọng, tâm tư của người học. Khi bộ sách được chính thức đưa vào giảng dạy, giáo viên cũng không bị trói buộc theo tuần tự kiến thức trong sách, mà có thể linh hoạt lựa chọn nội dung phù hợp với chủ đề tiết học. 

Điều đặc biệt khiến nội dung SGK ở đất nước này không bị nhàm chán là do các bài học được viết theo nguyên tắc lấy cơ sở từ những trải nghiệm, cảm nhận, sự hứng thú và tương tác của các học sinh với nhau để đặt nền móng cho việc học. Mọi bài học đều bắt đầu bằng một câu chuyện, tình huống nghiên cứu, hoặc một bức ảnh mang tính gợi mở. Sau đó, người dạy sẽ đặt ra những câu hỏi như vấn đề hôm nay cần giải quyết là gì, tại sao đó lại là vấn đề khó giải quyết...

Cũng tại hội thảo, một băn khoăn khác được các đại diện Việt Nam đưa ra là làm sao đảm bảo cả 2 tiêu chí phát triển toàn diện và phát triển năng lực cá nhân của người học mà không làm SGK bị quá tải. 

Trả lời điều này, giáo sư Bernd Meier, Trường Đại học Potsdam (Đức), thừa nhận: “Đúng là có mâu thuẫn giữa phát triển toàn diện và phát triển năng lực. Tuy nhiên, đó là sự thống nhất của 2 mặt đối lập. Chìa khóa là hãy tập trung vào tri thức bản chất, có chọn lọc, gắn với thực tiễn và ứng dụng”. 

Vị giáo sư này giải thích thêm, quá trình dạy học phải bao gồm cả tính đóng và mở. Tính đóng là đưa ra những kiến thức đã được thừa nhận, nhưng mở ở chỗ không quy định cứng nhắc cái gì là chân lý duy nhất đúng. Học sinh có thể có nhận thức khác đi, giáo viên có thể bổ sung nội dung khác. SGK chỉ là một trong những công cụ giúp học sinh bày tỏ những tư tưởng, quan điểm khác nhau và cùng thảo luận về những điều đó.

Những chia sẻ của các chuyên gia đến từ các nền giáo dục tiên tiến nói trên tuy không phải lần đầu, nhưng là bài học kinh nghiệm quý báu cho những người làm công tác quản lý giáo dục trong nước cân nhắc áp dụng. Nhất là khi cuộc cách mạng mang tên đổi mới chương trình, viết lại nội dung SGK mà chúng ta đang thực hiện có sức tác động xã hội to lớn. Trong đó, quyết tâm thôi chưa đủ, nếu không có sự kiên trì, mạnh dạn đổi mới tư duy, tạo cơ chế cạnh tranh công bằng và sẵn sàng chịu rủi ro từ những điều tiết của thị trường, sẽ khó tránh khỏi cảnh “bình mới rượu cũ”.

Tin cùng chuyên mục