Cơ chế đặc thù và chính quyền hiệu quả - Bài 1: Gõ cửa tìm công lý

Một đô thị đặc biệt với khoảng 13 triệu dân như TPHCM liên tục phát sinh nhiều vấn đề về xã hội, các vấn đề liên quan giữa người dân với cơ quan nhà nước. Nếu chính quyền cấp cơ sở có năng lực, công tâm, có trách nhiệm, bản lĩnh, sẽ giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trên địa bàn; còn như ngược lại thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy...
LTS: Thành ủy TPHCM đã xác định, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Để chủ trương trên phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng bộ TPHCM thì vai trò của chính quyền các cấp mang yếu tố then chốt, quyết định, cùng với trách nhiệm đồng hành của các cơ quan giám sát trong Đảng, dân cử.
Vấn đề đặt ra là liệu chính quyền các cấp đáp ứng được yêu cầu mới không, khi thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ chưa hiệu quả, biểu hiện qua sự thụ động, tắc trách, sợ trách nhiệm… Với cách tiếp cận vấn đề nhìn từ tình trạng khiếu nại tố cáo trong dân hiện nay, cho thấy hơn bao giờ hết TPHCM cần khẩn trương có những giải pháp đột phá, táo bạo để nâng cao chất lượng bộ máy công vụ.  
Một đô thị đặc biệt với khoảng 13 triệu dân như TPHCM liên tục phát sinh nhiều vấn đề về xã hội, các vấn đề liên quan giữa người dân với cơ quan nhà nước. Nếu chính quyền cấp cơ sở có năng lực, công tâm, có trách nhiệm, bản lĩnh, sẽ giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trên địa bàn; còn như ngược lại thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Điều này có thể nhận diện qua những vụ việc khiếu nại kéo dài được đánh giá mang tính điển hình tại TPHCM. 
“Đẻ” việc cho cấp trên 
Đến công trình xây dựng riêng lẻ tại địa chỉ 498A/21/15 Huỳnh Văn Bánh (phường 13, quận Phú Nhận), chúng tôi ghi nhận sau gần 2 năm khởi công, thi công được phần móng thì công trình này vẫn còn nằm “trùm mền”. Các cột bê tông đổ dang dở với những thanh sắt mục gỉ theo thời gian không còn giá trị sử dụng… 
Cả cuộc đời tích lũy, vợ chồng bà Nguyễn Thị Đức (quê Bình Định) gom góp hết tiền bạc vào TPHCM mua lại căn nhà cấp 4 tại địa chỉ nói trên, với mong muốn cuối đời được sống cạnh con cháu đã chọn TPHCM để lập nghiệp, sinh sống. Hồ sơ lưu trữ thể hiện: Tháng 9-2016, bà Đức được UBND quận Phú Nhuận cấp giấy phép xây dựng với quy mô 4 tầng và lửng, xây nhà trong khuôn viên diện tích đất đã được công nhận. Trên giấy phép không thể hiện hệ thống cống thoát nước, hạ tầng kỹ thuật nằm trong khuôn viên nhà bà.
Cơ chế đặc thù và chính quyền hiệu quả - Bài 1: Gõ cửa tìm công lý ảnh 1

Dự án Công viên Văn hóa - Thể dục Thể thao quận 12 đang vướng vào vụ "tranh chấp đất đai" mà nguyên do sự thiếu kiên quyết xử lý từ đầu. Ảnh: KIỀU PHONG

Tuy nhiên, khi đang thi công phần móng, chủ tịch phường ký quyết định đình chỉ thi công do có đơn phản ánh của người dân cho rằng nhà bà Đức xây dựng trên cống thoát nước. Sau đó, phường chủ trì phối hợp với đội Thanh tra địa bàn (Sở Xây dựng) khảo sát, thực tế cho thấy sau lưng 5 căn nhà (liền dãy với nhà bà Đức số 489A/21/15) có hệ thống cống thoát nước sử dụng từ trước năm 1975. Trong quá trình xây dựng chỉnh trang nhà cửa, các hộ dân thuộc dãy nhà trên đã đưa hệ thống thoát nước phía sau nhà ra phía trước.
Mặc dù vậy, UBND quận Phú Nhuận vẫn ban hành quyết định hủy giấy phép xây dựng đã cấp cho bà Đức vì cho rằng công trình nhà ở của bà xây dựng trên cống thoát nước chung.     
Cũng theo hồ sơ lưu trữ, phần đất trên đã được cấp giấy chứng nhận từ năm 1998 và người dân xây nhà, ở ổn định trong một thời gian dài. Sau đó, bà Đức mua, xây lại nhà mới theo đúng ranh nhà cũ. Qua trích lục bản đồ địa chính phường 13 (quận Phú Nhuận) cho thấy phần diện tích nhà, đất được công nhận cho bà Đức vẫn giữ nguyên, không thay đổi.
Với cơ sở pháp lý này, bà Đức không đồng tình quyết định của UBND quận về việc thu hồi, hủy giấy phép xây dựng đã cấp. Gần 2 năm qua, gia đình bà đã nhiều lần gõ cửa cơ quan công quyền để khiếu nại đòi công lý, không chỉ chính quyền quận và TPHCM mà còn đến cả cấp Trung ương. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã 2 lần có văn bản chỉ đạo UBND TPHCM tiến hành kiểm tra, giải quyết khiếu nại của bà Đức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-4-2017.
UBND TP đã giao các cơ quan chức năng xác minh. Kết quả kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng, Trung Tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho thấy, công trình xây dựng nhà ở của bà Đức không ảnh hưởng đến việc thoát nước của các hộ dân.
Từ kết luận của cơ quan chuyên môn, UBND TP yêu cầu quận Phú Nhuận (tại công văn số 668/UBND-NCPC ngày 13-2-2018) hủy bỏ quyết định về thu hồi và hủy giấy phép xây dựng đã cấp cho bà Đức, để bà được xây dựng trở lại. 
Những tưởng sự việc thế là xong, nhưng UBND quận Phú Nhuận lại “đá trái banh” trách nhiệm lên TP với đề nghị UBND TP “xem xét, cho ý kiến chỉ đạo”, vì quận nhận được đơn của người dân trong khu vực khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận nhà ở, đất ở đối với căn nhà 489A/21/15. UBND quận Phú Nhuận lo sợ phát sinh tranh chấp phức tạp nên chưa giải quyết. 
Qua câu chuyện của bà Đức cho thấy, nếu quận Phú Nhuận tuân thủ chặt chẽ các quy định cơ bản trong cấp phép xây dựng, bắt đầu từ việc khảo sát kỹ thực tế trước khi cấp phép, chắc chắn vấn đề không bị dắt dây. Hơn thế, theo phân cấp từ nhiều năm trước đây, TPHCM đã giao quận/huyện quản lý hệ thống cống thoát nước hẻm, lẽ ra quận Phú Nhuận phải nắm chắc tình hình thực tế, pháp lý của hệ thống này trên địa bàn để chủ động giải quyết khi có vấn đề phát sinh.
UBND TP cũng đã có văn bản hướng dẫn địa phương cách xử lý đối với trường hợp nhà dân xây trên cống thoát nước, theo đó, nếu cống không còn chức năng thoát nước thì phải giải quyết cho người dân xây dựng. Nói ra những quy định này để thấy rằng, các vấn đề phát sinh trong vụ bà Đức hoàn toàn trong thẩm quyền giải quyết của UBND quận Phú Nhuận và lẽ ra quận phải xử lý được.
Vậy mà  vụ việc cứ dắt dây, dẫn đến hệ quả giải quyết một vụ việc mà pháp lý khá rõ ràng nhưng cả bộ máy nhiều cấp, nhiều ngành phải vào cuộc, với không biết bao nhiêu cuộc họp, văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. 
Mới đây, đoàn kiểm tra của Thành ủy yêu cầu quận Phú Nhuận phải rút kinh nghiệm, đồng thời giải quyết dứt điểm trường hợp này trong tháng 4 -2018.  
Thiếu cương quyết từ đầu, rắc rối dắt dây
Một vụ khác cũng khá điển hình, khi chính quyền các cấp đang phải dồn sức xử lý cho dứt điểm việc khiếu kiện đông người, xảy ra từ vụ  “tranh chấp đất đai” liên quan đến dự án Công viên Văn hóa - Thể dục thể thao quận 12. Qua xác minh của cơ quan chức năng, khu vực đất có tranh chấp vốn thuộc quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, do công tác quản lý không chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng chiếm dụng đất trái phép. Điều đáng nói, hành vi lấn chiếm đất công được phát hiện vào cuối năm 2005 nhưng 7 năm sau, chính quyền quận 12 mới thực hiện cưỡng chế để “đòi lại đất” cho dự án.
Cơ chế đặc thù và chính quyền hiệu quả - Bài 1: Gõ cửa tìm công lý ảnh 2

Công trình nhà ở của người dân ở số 498A/21/15 đường Huỳnh Văn Bánh (phường 13, quận Phú Nhuận) vẫn "trùm mền" với các cột bê tông đổ dỡ, những thanh sắt mục gỉ theo thời gian. Ảnh: KIỀU PHONG

Một lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy TP cho biết vụ việc này rất phức tạp; trong quá trình xử lý, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thành lập ban chỉ đạo (cùng với các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp đông người khác). Do biện pháp xử lý từ ban đầu (năm 2005) thiếu kiên quyết, đã khiến sự việc nhùng nhằng kéo dài đến nay. 
Tình trạng cấp dưới có sơ sót và khi vào cuộc lại xử lý thiếu kiên quyết xảy ra khá phổ biến. Tại một buổi tiếp công dân trong tháng 4 này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đã yêu cầu chuyển một hồ sơ khiếu nại của người dân về lại huyện Củ Chi, vì thẩm quyền giải quyết hiện nay vẫn thuộc về địa phương.
Cụ thể, một người dân đại diện cho mẹ (tên là Nguyễn Thị Khéo) yêu cầu UBND huyện Củ Chi khôi phục lại quyền sử dụng đất đối với hơn 1.960m2 tại xã Hòa Phú. Diện tích đất này đã được UBND huyện Củ Chi cấp sổ đỏ cho bà Khéo vào năm 1995.
Năm 2001, khi làm thủ tục đổi giấy chứng nhận, phần diện tích bị giảm hơn 1.960m2 với lý do đất này được một người khác mua, quản lý sử dụng liên tục; nhưng UBND huyện không có quyết định, thông báo rõ ràng với người dân.
Tại buổi tiếp dân, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phân tích, vụ việc vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nên trước tiên UBND huyện phải có quyết định trả lời khiếu nại cho người dân. Nếu người dân không đồng tình với quyết định của huyện thì Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, làm rõ quá trình quản lý, sử dụng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết.
Đánh giá về thực tế này, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ nhận xét rằng có một số cán bộ, công chức không làm hết chức trách, nhiệm vụ khi thực thi công vụ, giải quyết các yêu cầu của người dân.
Đến khi xảy ra khiếu kiện hoặc phát sinh vấn đề thì “đẩy” lên cấp trên giải quyết. “Trước đây, một công trình xây dựng ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur xây tầng hầm sai phép gây ra sụp lún, làm hư hỏng trụ sở Sở Ngoại vụ.
Trong vụ việc này, Sở Xây dựng là cơ quan cấp phép, có thẩm quyền kiểm tra, xử lý đối với hành vi xây sai phép gây ra sự cố như trên. Tuy nhiên, sở này không giải quyết mà đẩy lên cho UBND TP”, ông Châu Minh Tỷ dẫn chứng và phân tích, đối với một số vụ việc, cấp trên do sốt ruột nên đã trực tiếp tham gia, trong khi cấp dưới dù có đủ căn cứ, thẩm quyền cũng như công cụ nhưng không xử lý. 
Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM được xem là giải pháp đột phá thúc đẩy TPHCM phát triển. Thế nhưng, chỉ nhìn qua lát cắt từ các vụ việc khiếu nại kéo dài trong dân mang tính điển hình, đã thấy trong bộ máy công quyền vẫn còn không ít cán bộ thực thi công vụ chưa hiệu quả. Nếu tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của một bộ phận cán bộ này không sớm chuyển biến, thì dù chủ trương tốt đẹp mấy cũng khó mang lại kết quả như mong đợi.

Tin cùng chuyên mục