Các chuyến bay trải dài, chuyến muộn nhất theo lịch là 20 giờ 35. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết và một số lý do khách quan của việc tiếp nhận hành lý nên có thể trễ hơn 21 giờ, 22 giờ... Nhóm hỗ trợ tiếp đón gồm có 5 thành viên cố định (từ GO VOLUNTEER - nhóm chính thức điều hành các hoạt động tình nguyện phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM của Thành đoàn TPHCM) và thành viên khác ở quận đoàn, huyện đoàn...
Các đoàn y bác sĩ chỉ kịp chụp vội một tấm hình, vẫy tay chào rồi lên xe điều phối về bệnh viện trong thành phố… Những gương mặt, nụ cười chưa tỏ tường, chỉ kịp cảm kích nhau qua những dòng tin nhắn vội vàng.
Phạm Ngọc Minh Thy (22 tuổi, sinh viên năm tư Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, hiện là điều phối viên của Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM) chia sẻ: “Có hôm đang mệt, em lại nhận được tin nhắn của một bác trưởng đoàn: Bạn là một thanh niên rất nhiệt huyết, rất vui được làm quen với bạn; hay một tin nhắn khác: Hẹn gặp lại nhau khi thành phố hết dịch…; bấy nhiêu thôi, là tụi em đủ thấy vui cả ngày và quên hết mệt mỏi để tiếp tục công việc. Trong quá trình làm việc, đôi lúc cũng có những trục trặc nhỏ, nhưng em nhận được rất nhiều sự cảm thông, chia sẻ từ các y bác sĩ. Mọi người đều thấu hiểu vì cái khó khăn chung, khiến em và mọi người trong nhóm rất ấm lòng”.
Minh Thy bắt đầu tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ tuyến đầu từ những ngày đầu dịch bùng phát ở TPHCM. Từ hỗ trợ địa phương trong công tác hướng dẫn người dân lấy mẫu cộng đồng, đến điều phối, phân luồng và hỗ trợ người dân tiêm vaccine tại Bệnh viện Thống Nhất…; gần đây nhất, Minh Thy được các bạn đặt cho biệt danh “Cô gái sân bay” khi nhận nhiệm vụ điều phối công tác đón tiếp và hỗ trợ các đoàn y bác sĩ chi viện cho TPHCM ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Không trực tiếp đi vào khu vực cách ly, phong tỏa có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng một ngày của Minh Thy luôn bận rộn. Thy tiếp nhận thông tin các đoàn theo ngày, số lượng y bác sĩ, giờ bay, giờ đáp để điều phối số lượng xe thích hợp. Sau đó, liên hệ với các trưởng đoàn để xác định lại giờ giấc cụ thể. Liên hệ với các đơn vị tiếp nhận chi viện (các cơ sở y tế quận huyện, các bệnh viện...) để tiếp nhận các đầu mối liên hệ công tác. Cuối cùng là sắp xếp, hỗ trợ việc nghỉ ngơi cho các y bác sĩ.
Những chuyến bay đáp muộn luôn vang vọng những lời động viên nhau cố gắng. Trong bối cảnh hạn chế tối đa do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương ở xa phải tập kết từ sáng sớm để di chuyển đến sân bay Nội Bài, sau đó bay chuyển tiếp vào TPHCM và xuất phát đến các địa điểm để thực hiện nhiệm vụ.
Minh Thy kể lại: “Có những cuộc gọi vội vã ở sân bay, bên kia là những câu hỏi ngô nghê của con trẻ: Khi nào bố về?, bên này một bác sĩ trả lời: Hết dịch bố về nhé, giọng nói đầy lạc quan khiến cả đoàn cũng vui lây. Sau hoạt động đón tiếp, em cũng có thêm rất nhiều bạn mới. Tụi em còn add Zalo, Facebook của nhau để động viên nhau mỗi ngày”.
Xong nhiệm vụ, “cô gái sân bay” về nhà có lúc cũng gần nửa đêm, mọi mệt nhọc dường như đã được các bạn trẻ bỏ quên, chỉ còn lại một tinh thần cố gắng để cùng thành phố đi qua những ngày khó khăn này. “Em cảm thấy rất vui và tự hào khi chúng em được góp sức mình ở tuyến đầu chống dịch. Đây sẽ là một cột mốc vô cùng đáng nhớ đối với mỗi chúng em. Em tin sự chung tay đồng lòng của một tập thể sẽ giảm bớt gánh nặng cho từng cá nhân, cũng như góp phần giải quyết các gánh nặng của hệ thống y tế thành phố”, Minh Thy bày tỏ.