Hôm nay (14-4), Iran trở lại bàn đàm phán cùng nhóm P5+1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ và Đức) tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Với Mỹ và phương Tây, đây là cơ hội để Iran thay đổi, thuận theo ý những nước lớn để tránh thêm nhiều sự trừng phạt. Với Iran, lần trở lại này chỉ để khẳng định rằng sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân với mục đích dân sự và không để bị chi phối vì những lời đe dọa.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Iran. Mục tiêu cấm vận của Mỹ không chỉ là Iran mà Mỹ còn muốn nhắm vào khối những quốc gia có nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Đối với Trung Quốc, Mỹ muốn cô lập nguồn cung cấp dầu mỏ, vì Iran đang cung cấp đến 22% lượng dầu mỏ cho Trung Quốc.
Thế nhưng Trung Quốc một mặt không ủng hộ lệnh cấm vận này, một mặt đã tìm các nguồn cung từ các quốc gia Trung Đông khác. Về phía Ấn Độ, trong quý 1 - 2012, lượng dầu Ấn Độ nhập trực tiếp từ Iran 433.000 thùng/ngày, tăng 23% so với mức 351.000 thùng/ngày cùng kỳ năm ngoái và trung bình cả năm 2011, 326.000 thùng/ngày.
Ở cuộc họp nội khối BRICS vào cuối tháng trước ở New Delhi (Ấn Độ), lãnh đạo các quốc gia thành viên khối này đã nhấn mạnh, BRICS sẽ không tuân thủ lệnh trừng đạt đơn phương xuất phát từ Mỹ. Họ chỉ nghe theo lệnh trừng phạt từ HĐBA LHQ nếu có. Thứ nhất, Mỹ đang cần khối BRICS hơn họ cần Mỹ. Thứ hai, BRICS lập luận rằng: các lệnh trừng phạt đơn phương đối với ngành dầu mỏ Iran sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá dầu tăng vọt, ảnh hưởng xấu đến kinh tế thế giới.
Liên minh châu Âu (EU) dù thuận với lời kêu gọi cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran nhưng đó chỉ là lựa chọn gượng ép. Vì hiện Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha chiếm khoảng 68% lượng dầu xuất khẩu của Iran sang châu Âu. Riêng Hy Lạp nhập khẩu tới 35% lượng dầu từ Iran. Các nước này cũng đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế tồi tệ trong khu vực.
Trước cuộc đàm phán, phương Tây bất ngờ dịu giọng với Iran. Đầu tháng, Tổng thống Mỹ B.Obama đã thông qua Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (nhân chuyến thăm đến Iran) để chuyển lời đến Đại Giáo chủ Ali Khamenei của Iran rằng quốc gia Trung Đông này có thể phát triển chương trình hạt nhân dân sự nếu nước này không theo đuổi kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong một báo cáo công bố cuối tháng 3, Mỹ, châu Âu, Israel đã bất ngờ thống nhất, Iran hiện không có bom hạt nhân. Tehran chưa quyết định chế tạo bom hạt nhân và phải mất nhiều năm nữa nước này mới có thể chế tạo được một đầu đạn hạt nhân có thể phóng được.
Vì vậy dư luận nhận định rằng cuộc đàm phán tới đây có thể trở thành cơ hội để phương Tây mặc cả với Iran: Iran chỉ cần cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thanh sát cơ sở quân sự ở Parchin, nơi nước này tập trung phát triển chương trình hạt nhân, để chứng minh không có phát triển vũ khí hạt nhân, phương Tây sẽ dỡ bỏ cấm vận. Bởi hiện nay có khả năng một số nền kinh tế châu Âu và cả Mỹ sẽ không trụ nổi cơn bão giá nhiên liệu đang tác động đến khả năng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.
NHƯ QUỲNH