Cơ hội tốt cho Việt Nam

Chưa đầy một tháng nữa, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và từ năm 2026 sẽ áp dụng chính thức. Với cơ chế này, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu.

Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Việt Nam đang là đối tác lớn thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, do đó nhiều ngành hàng sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Trong khi đó, theo lộ trình, phải đến năm 2028 hệ thống giao dịch phát thải (ETS) ở Việt Nam mới chính thức vận hành. Từ nay đến khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với chi phí xuất khẩu sẽ tăng lên và giảm lợi thế cạnh tranh từ các thị trường có chính sách giá carbon rõ ràng.

Có thể thấy, xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế không những không thể đảo ngược, mà guồng quay thực sự đã bắt đầu. Nếu như tín dụng xanh có thể cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án tác động tốt đến môi trường, được chứng nhận bằng các tín chỉ carbon, thì tín chỉ carbon chính là “tấm visa” để đưa hàng hóa xuất khẩu sang các nước.

Năm 2020, lần đầu tiên quy định về tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước được đưa ra tại Luật Bảo vệ môi trường. Từ đó cho đến nay, Việt Nam cũng đã có nhiều bước đi để dần định hình thị trường carbon trong nước. Nhưng thời gian chưa tới 5 năm để vận hành chính thức thị trường tín chỉ carbon vẫn rất thách thức. Đây là vấn đề mới, khó, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác.

Những khó khăn đang được đề cập, trước tiên là việc định giá tín chỉ carbon - cơ sở để áp dụng các công cụ tài chính nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Việc định giá sẽ được tiến hành bởi chủ thể nào, theo tiêu chuẩn nào, ai được quyền bán tín chỉ carbon, việc phân bổ tín chỉ carbon như thế nào? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời trong ngày một ngày hai.

Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực, có thể thấy đây chính là cơ hội tốt của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng để chuyển mình sang kinh tế xanh, phát triển bền vững. Nỗ lực phát triển kinh tế bền vững, xanh hóa nền kinh tế luôn mâu thuẫn với bài toán chi phí, lợi nhuận trước mắt của doanh nghiệp.

Nếu không có cơ chế bắt buộc cùng guồng quay mạnh mẽ không thể đảo ngược như hiện nay, thì khó tạo động lực cho doanh nghiệp đổi thay. Và rõ ràng, việc hình thành thị trường giao dịch tín chỉ carbon, với tín dụng xanh hậu thuẫn chính là cơ hội tốt để tạo bước chuyển biến thực sự.

Một điều tích cực nữa, là trong hành trình xanh hóa này, chúng ta không đơn độc. Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ sự hỗ trợ từ các định chế tài chính quốc tế và sự chuyển mình của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là cơ hội của chúng ta.

Hồi tháng 1, Tập đoàn Lego - nhà sản xuất đồ chơi số 1 thế giới đã động thổ xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của mình, đặt tại Việt Nam. Đầu tháng 8, Chính phủ Anh cũng vừa công bố đợt 2 của Chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu Việt Nam, sau thành công của đợt 1…

Có khó khăn, thách thức, song việc xây dựng, phát triển thị trường tín chỉ carbon cùng tín dụng xanh là việc không thể không làm và chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu thực sự quyết tâm.

Tin cùng chuyên mục