Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xin được lùi thời hạn.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng, đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng…
Về thoái vốn, năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 54 doanh nghiệp đạt giá trị 1.707 tỷ đồng, thu về 3.327 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.598 tỷ đồng, thu về 15.887 tỷ đồng.
Các nguyên nhân khiến doanh nghiệp chật vật thoái vốn, cổ phần hóa nhà nước trong 2 năm qua gồm có vướng mắc đất đai, tài chính, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn cao, dự án thua lỗ, khó khăn... nên giảm sức hút với nhà đầu tư.