Trả lời bạn đọc

Có thể ủy quyền định đoạt tài sản khi chưa có sự đồng ý của các đồng thừa kế?

Trả lời:

Hỏi: Em trai tôi là người đại diện cho các đồng thừa kế khai nhận di sản thừa kế là căn nhà số 159 Nguyễn Duy Trinh, KP1 P.Bình Trung Tây Q2. Sau đó, em tôi đã vay tiền của Công ty Đ. và làm giấy ủy quyền cho Công ty Đ. tự lựa chọn và quyết định phần thừa kế của em tôi tại Phòng công chứng. Sau khi phát hiện, tôi đã nhiều lần thương lượng với Công ty Đ. xin chuộc lại giấy tờ nhà nhưng không được.  (Bạn đọc Thái Thị Mỹ Hương, Đinh Bộ Lĩnh, P26 Q.Bình Thạnh, TPHCM).

Trả lời: Do căn nhà là di sản thừa kế, em trai của bà chỉ là một trong các đồng thừa kế và chỉ là người đại diện cho các đồng thừa kế đứng tên khai nhận di sản, quyền sở hữu đối với di sản sau khi khai nhận thừa kế được xác định là sở hữu chung theo phần. Theo Điều 223 BLDS quy định: mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, nên em trai của bà chỉ có thể tự định đoạt đối với phần quyền sở hữu của mình khi có sự thỏa thuận của các đồng thừa kế.

Theo tài liệu cung cấp, ngày 19-6-2007, em trai của bà lập hợp đồng ủy quyền cho Công ty Đ. được quyền thế chấp, bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào do Công ty Đ. tự lựa chọn và quyết định phần quyền thừa kế của em trai bà trong căn nhà nêu trên, hợp đồng ủy quyền được chứng nhận của Phòng công chứng.

Về mặt pháp lý, em trai bà có quyền ủy quyền cho bất cứ ai để thực hiện việc cầm cố, thế chấp phần quyền tài sản của mình trong khối tài sản chung, nhưng khi thực hiện việc thế chấp, cầm cố phần quyền tài sản thuộc sở hữu chung và giao toàn bộ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung cho bên nhận thế chấp mà chưa được sự thỏa thuận của các đồng thừa kế còn lại là chưa phù hợp với quy định pháp luật đã viện dẫn. Vì vậy, khi các bên không đạt được sự thỏa thuận giải quyết, các đồng thừa kế có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Luật sư PHAN ĐỨC LINH
Đoàn Luật sư TPHCM

Hành vi xâm phạm về chỗ ở bị xử lý như thế nào?
Hỏi
: Tôi mua nhà hợp pháp, đã được đăng ký quyền sở hữu nhưng có một số người liên quan đến chủ sở hữu cũ có hành vi khóa cửa, ngăn cản không cho tôi vào nhà, tôi đã có yêu cầu Công an phường 25, quận Bình Thạnh can thiệp nhưng chưa được giải quyết. (Bạn đọc Lê Văn Bính - Q1 TPHCM)

Trả lời
: Theo hồ sơ do ông cung cấp, UBND TPHCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 14081/2001 ngày 18-7-2001 cho ông Trần Viết Hòa, Trần Thị Lợi căn nhà 402/26 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P25 Q.Bình Thạnh. Sau đó, ông Hòa và bà Lợi bán cho ông thể hiện qua hợp đồng mua bán nhà số 4709 ngày 29-3-2007. Việc mua bán đã được Phòng Công chứng số 6 chứng nhận. Ông và bà Nguyễn Thị Kim Phượng đã được UBND quận Bình Thạnh cho đăng ký thay đổi quyền sở hữu và quyền sử dụng vào ngày 1-8-2007. Như vậy, hiện nay ông và bà Phượng là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà trên theo quy định của pháp luật.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền Hiến định. Điều 46 BLDS cũng quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Theo pháp luật hình sự, nếu người nào có hành vi xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định tại Điều 124 BLHS. Vì vậy, trường hợp ông đã yêu cầu Công an phường 25 giải quyết nhưng chưa được xem xét thấu đáo, ông có thể gửi đơn đến Công an và Viện Kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh yêu cầu xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Luật sư PHẠM KIM OANH
Đoàn Luật sư TPHCM

Tin cùng chuyên mục