Cô thợ may ở Zittau

Trong dịp Ngày Hội nhập cho người nước ngoài, tờ Loebau Zittau (thuộc tiểu bang Sachsen, Đức) hồi tháng 3 năm nay có đăng bài giới thiệu văn hóa Việt Nam kèm ảnh áo dài Việt. 
Thu Hiền và mẫu áo dài được người Đức đặc biệt chú ý
Thu Hiền và mẫu áo dài được người Đức đặc biệt chú ý

Hôm ấy, áo dài của Phạm Thị Thu Hiền được chú ý đặc biệt bởi có in hình Berlin Dom - Nhà thờ lớn đẹp nhất thủ đô nước Đức.

Cũng chính Hiền cung cấp áo dài đồng phục để nhóm múa gốc Việt biểu diễn trong Ngày Hội nhập cho người nước ngoài ở Loebau. Gần ba năm nay, tiệm may Nähestube Leipert giáp biên giới Đức - Czech của cô chủ nhỏ Thu Hiền đều đặn thu hút khách Việt kiều và người bản xứ. Người Việt ở Đức, Czech, Hà Lan trực tiếp đến tiệm hoặc đặt Hiền may áo dài, áo cưới online. Bên cạnh đó, khách Đức trong thành phố nhỏ Zittau vốn biết tiếng khéo tay may quần jeans của người Việt từ thời bức tường Berlin chưa sụp đổ, nay giữ thói quen mang vải đến đặt Hiền may quần jeans.

Trong nghề may, gặp những người quá khổ là ca khó rồi. Hoặc những cô dâu gốc Việt vóc dáng nhỏ bé cũng là thách đố với các tiệm áo cưới của người bản xứ. Hiền kể: “Những người có số đo khác biệt mua đồ may sẵn rất khó mặc vừa. Cho nên mình trụ được một tiệm may ở nước ngoài lắm cạnh tranh này là nhờ ở những khách có số đo khó may đồ và khách kỹ tính muốn có những bộ áo dài, áo cưới theo ý mình chứ không phải hàng chợ”.

Vải may áo dài được Hiền cẩn thận nhập từ Việt Nam sang, và hợp tác với một xưởng in ở TPHCM để cung cấp mẫu.

“Vải của mình nhập sang giá thành đắt hơn, nhưng lên áo dài chuẩn và đẹp hơn. Tất nhiên, bây giờ nhiều người Việt dễ dàng về nước mua sẵn hoặc đặt may áo dài trong nước, nhưng có khi mang về lại không thấy ưng ý nữa, đôi khi vì quần trễ cạp, thân áo quá chật… nên vẫn có khách tìm đến tiệm của Hiền. Thêm nữa, đa phần tâm lý khách không thích sở hữu bộ áo dài bị trùng mẫu nên mình còn phải hỏi kỹ khách đang định cư ở vùng, miền nào để tư vấn sao cho người may trước, người may sau trong cùng thành phố không bị giống nhau”, Hiền cho biết.

Giá một bộ áo dài in 3D của Hiền từ 55 - 60 EUR. Hơi cao hơn giá trung bình trong nước một chút, nhưng mặc lên ôm người, khách lại yên tâm vì có nơi trực tiếp chỉnh sửa được. Vẫn hơn là mua áo rẻ mà về không mặc được. Một số cô gái là thế hệ gốc Việt thứ hai sinh ra ở Đức cũng tìm đến tiệm của Hiền đặt may áo cưới. May áo cưới cực hơn, nhưng Hiền bảo làm nghề này “được nhìn thấy sản phẩm của mình hiện ra trong ngày cưới của cô dâu, còn niềm vui nào bằng”.

Hiền từng là thợ may trước khi theo chồng sang định cư ở Zittau 19 năm trước. Đến Đức, Hiền xin đi làm công nhân một thời gian, rồi chính chồng người Đức khuyên vợ nên tự mở tiệm may để được theo đuổi đúng nghề mình thích, lại được làm việc ở nhà. Thoạt đầu cũng chỉ dám cắt, may vài bộ đồ đôi cho hai mẹ con diện cùng nhau. Bạn bè nhìn thấy, khen đẹp và động viên, Hiền quyết tâm thức khuya dậy sớm để nghe thầy ở Việt Nam truyền thêm nghề qua online. Khổ nhất là không được ở cạnh thầy để hỏi trực tiếp. Nhiều thắc mắc phải chờ tới hôm sau.

Đến nay, tiệm may Nähestube Leipert - tức Phòng may nhỏ của nhà Leipert (đặt theo họ chồng) diện tích khoảng 15m² đã đều đặn vào mùa làm ăn riêng của mình. Càng gần các dịp lễ, tết của Việt Nam, tiệm càng đông khách. Cộng đồng người Việt bên Czech còn tổ chức Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, rồi Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, cũng là dịp khách cũ, khách mới từ bên kia biên giới kéo đến Phòng may nhỏ của nhà Leipert.

“Đặc biệt thời điểm này là bận nhất, vì gần Trung thu là mùa khách may áo dài nhiều nhất trong năm”, Hiền vui vẻ tiết lộ.

Tin cùng chuyên mục