Cổ tích Việt lên phim: Bước đi dè dặt

Là mảnh đất nhiều tiềm năng nhưng trong bối cảnh điện ảnh Việt đang phát triển tốt, dòng phim cổ tích lại vẫn chưa tạo được đột phá. Việc đưa những câu chuyện quá quen thuộc lên màn ảnh rộng không hề đơn giản.  
Phim Trạng Quỳnh đang nhận được nhiều mong đợi từ khán giả. Ảnh: Đ.P.C.C.
Phim Trạng Quỳnh đang nhận được nhiều mong đợi từ khán giả. Ảnh: Đ.P.C.C.

Giàu tiềm năng

Trung tuần tháng 10, ê kíp thực hiện Trạng Quỳnh hé lộ những thông tin, hình ảnh đầu tiên của bộ phim và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đó là kết quả của gần 1 năm chuẩn bị rất nhiều công đoạn khác nhau. “Tính chất trào phúng và màu sắc dân gian sẽ là những yếu tố thu hút khán giả”, đạo diễn Đức Thịnh tự tin. Phim hiện đang trong quá trình hậu kỳ và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng 12.  

Năm 2014, điện ảnh Việt chào đón dự án Cuộc chiến với chằn tinh - nhân vật trung tâm là Thạch Sanh. Dù chưa thật sự thành công về doanh thu phòng vé, chất lượng tác phẩm còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận đây là phát pháo khơi mào và khích lệ các nhà làm phim mạnh dạn thử sức ở mảng đề tài này. Trong dòng phim chuyển thể từ truyện cổ tích, không thể không nhắc đến Tấm Cám: Chuyện chưa kể - tác phẩm có doanh thu cao nhất điện ảnh Việt năm 2016. Cuối năm 2017, nhà sản xuất (NSX) Ngô Thanh Vân thông báo, đã giải quyết xong vấn đề bản quyền với phía công ty sản xuất truyện tranh Thần đồng đất Việt để có thể chuyển thể các câu chuyện này lên màn ảnh rộng, xây dựng thương hiệu “Vũ trụ điện ảnh cổ tích”. Bên cạnh đó, cô cũng có kế hoạch thực hiện vệt phim cổ tích thần thoại Việt Nam như: Thằng Bờm, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh... 

“Có thể thấy, việc những câu chuyện cổ tích đang ngày càng trở thành đề tài cho nhiều NSX, đạo diễn phim, chứng tỏ đây đang là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh. Khán giả vốn yêu thích những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng cũng từ đó mà sự kỳ vọng lại càng lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nên điều kiện và khả năng để thực hiện một cách hoàn hảo nhất sẽ gặp nhiều trở ngại”, Ngô Thanh Vân chia sẻ. 

Nhiều khó khăn

NSX Ngô Thanh Vân từng đặt ra câu hỏi: “Kho tàng truyện cổ tích nước ta là vô giá, chất liệu văn hóa của Việt Nam còn nhiều, vậy tại sao ta lại phải sử dụng nguồn từ các kịch bản làm lại của nước ngoài?”. Câu hỏi đó cũng là thách thức không nhỏ với các ê kíp khi quyết định thực hiện tác phẩm thuộc đề tài này. Đó cũng là lý do theo kế hoạch ban đầu, tập đầu tiên nằm trong series Thần đồng đất Việt sẽ ra mắt dịp Tết 2019, nhưng hiện đã dời sang quý 2 năm 2019. “Dự án chắc chắn cần nhiều thời gian thực hiện một cách chỉn chu để thỏa mãn sự mong đợi của khán giả. Từ khâu kịch bản, bối cảnh và cả những diễn viên nhí sao cho tiệm cận nhất với những hình ảnh nhân vật vốn đã quá đóng đinh trong khán giả”, NSX Ngô Thanh Vân chia sẻ thêm.  

Một trong những khó khăn lớn nhất với các ê kíp thực hiện là tư liệu còn lại không nhiều và có không ít “dị bản”. Theo đạo diễn Đức Thịnh, về mặt tư liệu, khi quyết định thực hiện Trạng Quỳnh, anh chủ yếu dựa vào phong thái của nhân vật và sử dụng một số tích xưa. Do đó, kịch bản phải phát huy tối đa sự sáng tạo, trí tưởng tượng. Giám đốc sáng tạo Hiếu Vũ bổ sung: “Chúng tôi dành nhiều thời gian tìm kiếm, tra cứu nhưng các tư liệu ở thời kỳ đó còn lại không nhiều”. 

Thực tế cho thấy, chuyển thể các câu chuyện cổ tích lên phim ở thời điểm hiện tại không khác gì “con dao hai lưỡi”. NSX Ngô Thanh Vân phân tích: “Với tôi, lợi thế lớn nhất của những dự án chuyển thể từ truyện cổ tích chính là nội dung vốn rất quen thuộc với tất cả khán giả. Tuy nhiên, đây cũng chính là “con dao hai lưỡi” khi thực hiện do sự mong đợi của khán giả quá lớn từ sự thành công của bản gốc. Bên cạnh đó, bối cảnh và phục trang cũng là một vấn đề nan giải, sao cho thể hiện đúng tinh thần và chính xác nhất hình ảnh thời điểm đó”. Với đạo diễn Đức Thịnh: Làm sao để kể một câu chuyện thuyết phục, đúng tinh thần Việt và thật sự hấp dẫn là điều không hề đơn giản. Làm phim ở thể loại này khó gấp 10 lần so với các dự án thông thường. Được biết, kinh phí thực hiện Trạng Quỳnh dao động từ 20 - 22 tỷ đồng; Tấm Cám 22 tỷ đồng; Cuộc chiến với chằn tinh cũng tiêu tốn hơn 10 tỷ đồng.  

Giám đốc sáng tạo phim Trạng Quỳnh Hiếu Vũ cho biết, khi xây dựng ý tưởng cho Trạng Quỳnh, phần phục trang chủ yếu sử dụng áo yếm, áo tứ thân cho nữ. Còn Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã đầu tư 2 tỷ đồng cho phục trang. Riêng Cuộc chiến với chằn tinh, ê kíp thực hiện phải may mới 800 bộ trang phục cùng rất nhiều binh khí, đạo cụ...  

Tất nhiên, các nhà làm phim hiện nay cũng có nhiều thuận lợi bởi sự phát triển của công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, đặc biệt với các đại cảnh, ngoại cảnh. Bối cảnh cung điện tráng lệ, trận chiến nảy lửa... trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể chính là sản phẩm của kỹ xảo. Đạo diễn Đức Thịnh tiết lộ, phần ngoại cảnh trong Trạng Quỳnh được hỗ trợ kỹ xảo chiếm tới 20% - 30% bộ phim. NSX Ngô Thanh Vân cho rằng: “Sự hỗ trợ từ những quan tâm của khán giả chính là cơ hội lớn để thuyết phục nhà đầu tư về khả năng thành công doanh thu phòng vé của những dự án này”.

Tin cùng chuyên mục