- Cứ tới cuối năm là nạn làm hàng giả rộ thêm. Nói “thêm” là bởi trước đó cũng có rồi. Nhưng vào cao điểm tiêu dùng, nạn làm giả cũng chạy đua nhặm lẹ. Danh mục làm giả đã không chỉ còn là hàng hóa, mà đã lan sang mảng dịch vụ.
- Cụ thể là những dịch vụ gì, có gây thiệt hại lớn không?
- Đi ngoài đường, hay gặp các xe chở khách dán biển cảnh báo thiệt nổi: “Màu xe chính hãng là xanh, không phải đỏ. Số điện thoại đặt vé chính hãng là…”. Tức là đã có xe chạy lụi, giả danh nên người ta phải la hoảng. - Rồi tiệm uốn tóc, gội đầu cũng bị giả. Cả một thứ dịch vụ hạng sang, chi phí lớn là thẩm mỹ viện cũng bị cọp pi biển hiệu, giấy phép. Người tiêu dùng lơ ngơ là dính chấu ngay.
- Sao lại có thể để nạn làm giả tái diễn khơi khơi như rứa? Các ban ngành chức năng ở đâu?
- Thủ tục thông thường là phải có tố cáo, thưa gửi đích danh từ bên bị hại, bao gồm doanh nghiệp bị làm giả hàng hóa dịch vụ hoặc người tiêu dùng. Từ đó mới có cơ quan chức năng xác minh xử lý. Nhưng cái mắc kẹt là khó chứng minh thiệt hại, nên ông chức năng cũng ngán. Đám làm giả bị chặn đầu này thì ló đầu kia, nên cứ xà quần khó dẹp.
- Nếu muốn dẹp dứt dạt bằng pháp luật thì làm được thôi. Cứ kêu khó rồi đẩy gánh nặng cho người tiêu dùng thì coi hổng đặng.