Con cái - Niềm vui hay gánh nặng?

Trong văn hóa Việt, dựng vợ gả chồng rồi sinh con gần như là điều tất yếu. Nhưng trên hành trình làm cha mẹ, đâu chỉ có ngập tràn niềm vui mà không có những vất vả, cực nhọc và đôi khi, có người còn coi đó là gánh nặng.
Niềm vui con cái mang lại sẽ giúp vơi bớt những gánh nặng cuộc đời. Ảnh: Rawpixel
Niềm vui con cái mang lại sẽ giúp vơi bớt những gánh nặng cuộc đời. Ảnh: Rawpixel

1. “Hãy ngồi xuống nghe mình than thở tí. Ở đây, sẽ chẳng có tí năng lượng nào gọi là tích cực, mà chỉ có than thở, than thở và than thở” câu mở đầu bài viết của chị Mai Phương (38 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) trên Facebook nhận được rất nhiều sự chú ý của bạn bè. Ai cũng biết, chuyện chị - một bà mẹ 2 con kể liên quan đến việc chăm sóc con cái. Dẫu biết, việc cho con ăn, chăm con ngủ, lau dọn vệ sinh… là những tất bật đời thường nhưng trong không ít trường hợp, vẫn khiến các bà mẹ cảm thấy quá mệt.

“Các tình huống này cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Thế nhưng, điều lạ lùng là sau mỗi ngày, khi nhìn các con ngủ, tất cả mùi bỉm sữa bỗng nhiên không còn nữa. Khi ấy, mình lại chỉ thấy một cảm giác lâng lâng, khó tả. Khoảnh khắc của bình yên và hạnh phúc bỗng lại lan tỏa”, dòng chia sẻ theo hướng “quay xe” được chị đúc kết. Và đến bây giờ, chị đã trả lời được cho câu hỏi - vì sao các bà mẹ lại có thể có nhiều con được đến thế. Là bởi, “càng nhiều con, càng nhiều mệt mỏi thì sau một đêm, họ lại càng được nạp nhiều năng lượng hạnh phúc để quân bình lại”.

Từ lời rào đầu là than thở nhưng cái kết lại lan tỏa đầy năng lượng tích cực và tình yêu thương, rất nhiều bạn bè chị đã vào để lại bình luận. Nào là “chị nhận được rất nhiều năng lượng tích cực sau khi đọc chia sẻ này” hay “làm em chuẩn bị tâm lý đọc xong quên cho đỡ lây tiêu cực, mà được tích cực. Quá hời ạ”. Lại có những người chung quan điểm làm nghề nào cũng gian nan, huống chi “nghề” làm cha mẹ.

2. Có lẽ, trong vô vàn những nghề xuất hiện trên cuộc đời, “nghề” làm cha, làm mẹ là khó nhất. Qua rồi cái thời các cụ nhà ta vẫn cho rằng trời sinh voi sinh cỏ. Hầu hết ông bố bà mẹ thời nay đều thừa nhận, nuôi con đã khó, dạy con khó hơn gấp vạn lần.

Như câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Thành (36 tuổi, ở quận 12, TPHCM), những khó khăn trong giai đoạn này khi nuôi 2 con cũng không hề giống nhau. Bé lớn được anh cho về ở với ông bà nội lúc 2 tuổi vì hai vợ chồng có kế hoạch học thêm. Giờ, khi con đã bước vào lớp 2 anh mới nhận ra quyết định ấy không hẳn đúng vì những khác biệt thế hệ khiến việc phải dạy lại con từ đầu, khác hẳn cách ông bà dạy cháu - còn gian nan hơn gấp bội. Bé gái thứ 2, ngay từ giai đoạn trong bụng mẹ đã có dị tật ở ổ bụng khiến hai vợ chồng thấp thỏm không yên cho đến ngày con sinh. Đến giờ, khi con đã 3 tuổi, sức khỏe ổn định cả hai mới thấy nhẹ nhõm phần nào.

Hay như câu chuyện của gia đình chị Quỳnh Hương (32 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) có lẽ không quá hiếm gặp. Những tưởng sau sinh, mọi thứ bình thường, nhưng trong một lần có cơ hội tiếp xúc với bác sĩ tâm lý, chị mới biết mình bị trầm cảm, dù may mắn các triệu chứng khá nhẹ. Quá trình chăm sóc con, vì bé thường xuyên quấy khóc, khó ăn, khó ngủ khiến chị lúc nào cũng bơ phờ, thậm chí phải nghỉ việc hoàn toàn ở nhà chăm sóc con. Những lúc quá căng thẳng, đôi khi chị không kìm được cơn giận mà đánh con, dù biết mình sai. Để không lún sâu vào cái sai, chị đã tìm đến bác sĩ tâm lý.

3. Con cái là của trời cho. Nhiều người còn nghĩ thêm con là thêm của. Nhưng cũng không ít người trẻ hiện nay hoặc không muốn lập gia đình để tận hưởng cuộc sống độc thân; hoặc chỉ dám sinh 1 con vì sợ trách nhiệm và sợ mình không nuôi dạy con cái nên người. Với những gia đình, con cái sinh ra khỏe mạnh, ít ốm đau, ngoan ngoãn… trong những năm tháng đầu đời đã là niềm vui vô bờ bến. Nhưng nhiều ông bố bà mẹ phải trải qua những ngày dài trắng đêm tay bồng, tay bế vì con quấy khóc.

Ông bà ta có câu “sinh con rồi mới sinh cha”. Có con cái, nhất là với con đầu lòng, cũng đồng nghĩa các bậc cha mẹ bắt đầu hành trình vừa nuôi dạy con, vừa học kinh nghiệm để trở thành những ông bố, bà mẹ tốt nhất. Lúc này, mọi kinh nghiệm trong sách vở đều chỉ mang tính tham khảo bởi mỗi đứa trẻ là một tính cách, ngay cả với các cặp sinh đôi. Do đó, trên hành trình ấy, ai cũng sẽ trải qua đủ các loại cung bậc cảm xúc. Nhưng khi bước chân về nhà, nghe tiếng con cười nói hồn nhiên, tiếng gọi ba mẹ, mọi mệt mỏi, lo toan đều tan biến.

Niềm vui ấy là vô bờ bến, như cách gọi của chị Mai Phương, đó là vitamin “siêu nhiên”. Tất nhiên, cảm giác nặng gánh đôi khi không tránh khỏi, nhất là với những gia đình đông con hay rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Con cái là gánh nặng hay niềm vui tùy thuộc quan điểm của mỗi người. Nhưng, giáo dục để con cái có ý thức độc lập, tự lực cánh sinh tránh tính ích kỷ, ỷ lại ngay từ khi còn nhỏ cũng là cách để các bậc cha mẹ giảm bớt gánh nặng trên chính đôi vai mình.

Tin cùng chuyên mục