(SGGP).- Ngày 10-12, tại TPHCM, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị “Tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều chỉnh của luật”, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Theo thống kê BHXH Việt Nam, qua 3 năm thực hiện, tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng được mở rộng, nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc… Tính đến ngày 30-9-2012, cả nước có 57.082 triệu người tham gia BHYT tương đương 65% dân số, tăng hơn 4 triệu người so với cùng kỳ năm 2011. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ người tham gia BHYT khá cao, đạt tới 77%. Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng… có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao.
Một số nguyên nhân là do: chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân; hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện khám chữa bệnh; vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh; việc chỉ đạo không đồng bộ, không thống nhất giữa Bộ Y tế và BHXH về một số vấn đề sử dụng thẻ, giấy chuyển viện, đấu thầu thuốc… nên bệnh viện lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện dẫn đến người dân phàn nàn, thiếu tin tưởng vào chính sách. Theo thống kê, hiện vẫn còn trên 30 triệu người chưa tham gia BHYT. Khu vực có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp nhất là vùng ĐBSCL chỉ chưa đến 50% dân số. Một số tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT rất thấp là: Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp…
Đánh giá về kết quả 3 năm thực hiện Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật BHYT đã từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách BHYT tại Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thực hiện Luật BHYT mang tính nhân đạo sâu sắc và đây chính là thể hiện một nền văn minh, một xã hội tiên tiến và phát triển. Vì vậy, trong thời gian sắp tới BHYT cần điều chỉnh phù hợp hơn và đi vào từng “ngóc ngách” của xã hội, cần sớm cải cách về thủ tục, điều kiện khám chữa bệnh để tạo được sự thoải mái cho người dân. Nhằm giảm bớt tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế đã trình Đề án giảm tải bệnh viện với mỗi bệnh viện quá tải sẽ có 5 bệnh viện vệ tinh và Đề án bác sĩ gia đình và bác sĩ đa khoa thực hành.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, sắp tới cũng sẽ có thông tư về phân tuyến và vượt tuyến bệnh viện giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tình trạng hết quỹ bảo hiểm. Các bệnh viện tuyến dưới cần đảm bảo trình độ chuyên môn và tuyến trên không ngừng nâng cao nghiệp vụ để xứng đáng là bệnh viện loại 1. Đại diện BHXH Việt Nam cũng đề xuất nâng hỗ trợ mức đóng của đối tượng là học sinh, sinh viên từ 30% lên 50% mức đóng BHYT và hỗ trợ 30% mức đóng cho đối tượng thuộc hộ nông lâm ngư diêm nghiệp.
T.ĐẠT