- Sau hai lần trước không thành công, mới đây một thương hiệu điện thoại di động do doanh nghiệp xứ mình chế tạo đã tái xuất. Với sự nâng cấp về thiết kế, chất lượng cùng cách định giá cạnh tranh hơn, hy vọng lần này sản phẩm đó sẽ có cửa thắng.
- Cũng mong vậy. Nhưng thắng được hay không còn do khâu phân phối. Hàng hóa có ngon mà không có chỗ bán mát mặt thì cũng khó làm nên chuyện. Nói vậy, là bởi trong hệ thống siêu thị phân phối điện thoại bự nhất xứ mình, hoàn toàn vắng bóng thương hiệu điện thoại đang nói ở trên. Lý do được người trong cuộc tiết lộ là do bên làm điện thoại đưa ra mức chiết khấu bán hàng thấp, nên các ông chủ siêu thị từ chối hợp tác.
- Thương hiệu mới, nguồn lực chưa mạnh, lấy đâu ra tiền nhiều mà chào mức chiết khấu cao?
- Đó chính là thế kẹt của nhiều doanh nghiệp sản xuất ở xứ mình. Họ không chịu nổi những đòi hỏi về lợi ích của bên phân phối. Không chỉ điện thoại, mà nhiều loại hàng nội như rau củ, thịt cá, hay đồ nhựa, sản phẩm gia dụng khác cũng không tìm được sự hỗ trợ của hệ thống phân phối. Bởi thế mà hàng Nhật, Thái hoặc Trung Quốc chiếm được ưu thế, khiến hàng Việt nhiều phen liểng xiểng trên sân nhà.
- Nếu doanh nghiệp phân phối của người xứ mình mà còn không mặn mà, hàng Việt chỉ có thua. Cứ mạnh ai nấy chạy mà mong lớn mạnh thì còn khuya!