Trước mũi tàu là 500kg thuốc nổ TNT, đuôi tàu thêm 500kg nữa và giữa khoang máy có trái bom 200kg... cùng những trái tim nóng bỏng tình yêu nước, trí thông minh và lòng dũng cảm. Và huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển bắt nguồn từ những con tàu như vậy.
"Tàu 69 cũng như các tàu khác của Lữ đoàn 125 đều “ôm ngòi nổ” quyết tử như vậy khi vượt biển Đông tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam. Tháng 11-1965, tàu 69 được lệnh chở gần 100 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng - Rạch Gốc (Năm Căn - Cà Mau)", thuyền trưởng tàu 69 Nguyễn Hữu Phước (Năm Phước) hồi ức.
Thời gian này việc đi lại trên biển đã rất khó khăn do quân Mỹ trực tiếp nhảy vào tham chiến và sự kiện Vũng Rô (16-2-1965), khiến kẻ địch khẳng định điều đã ngờ vực trong thời gian dài nhưng từ trước tới nay chưa có bằng chứng… Đường Hồ Chí Minh trên biển đã bị lộ.
Lúc này phương án 1 chạy ven bờ rồi bất ngờ xộc vô không còn thích hợp, ta chuyển sang phương án 2, chạy theo tuyến hàng hải quốc tế nên phải vòng xa hơn rất nhiều. Biển Đông đã bị địch “khóa chặt”. Trên không máy bay tuần tiễu suốt đêm ngày. Dưới nước là bốn lớp bảo vệ, từ 100km trở vào bờ được chia thành ba lớp, giao cho các loại tàu của hải quân ngụy; 100km trở ra do hải quân Mỹ đảm trách. Trên bờ, ba trạm ra-đa Vũng Tàu – Hòn Khoai – Côn Đảo quét chồng lên nhau thành vòng tròn phủ trùm vùng biển phía Nam. Và những con tàu của “Đoàn tàu không số” phải đi xuyên qua sự phong tỏa chặt chẽ đó.
Xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng), tàu 69 được ngụy trang như tàu đánh cá. Ba ngày đầu khá yên ổn. Đi được nửa hành trình, tàu nhận điện khẩn: “Tìm đường giao hàng tại Vàm Láng Nước – Ba Động (Trà Vinh)”. Đây là vùng biển lạ đối với anh em tàu 69. Cửa Vàm Láng cạn, luồng lạch nhỏ lại ngay sát căn cứ hải thuyền Long Toàn của ngụy. Chi ủy, ban chỉ huy tàu họp khẩn và hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày thứ năm, sau khi “cắt đuôi” hàng loạt tàu tuần dương của hạm đội 7 và hải quân ngụy cùng máy bay trinh sát, từ ngoài khơi tàu 69 bất ngờ chuyển hướng chạy thẳng vô bờ. Giai đoạn căng thẳng nhất của chuyến đi bắt đầu. Đêm xuống, tàu đã đến cửa Vàm Láng nhưng loanh quanh mãi chưa tìm được luồng vào bờ. Bất chợt, thủy thủ trưởng Năm Dĩ (sau hy sinh ngày 1-1-1967) phát hiện phía Bắc cách tàu khoảng 2km có đèn rất sáng. Tàu địch phục kích thì không thắp đèn, ban chỉ huy tàu ra lệnh anh em chuẩn bị chiến đấu, giảm máy cập mạn tàu lạ.
Những ngư dân vùng cửa Đại - Bến Tre đang ngủ say, hốt hoảng khi bị lay dậy. Qua họ, ta biết cửa vào Vàm Láng Nước – Ba Động chỉ còn cách 3- 4km. Anh em mừng lắm. Lúc đó đã gần 5 giờ sáng. Tàu tắt đèn đi mò khoảng 2km bắt gặp một ghe đáy. Lão ngư dân khi biết tàu chở “lương thực thực phẩm tiếp tế cho mặt trận” thì hết run, hăm hở chỉ đường cho tàu vào neo ở một lạch nhỏ của sông Ba Động. Lúc này, trời đã sáng rõ. Anh em khẩn trương hạ cột tàu, chặt lá dừa nước, bần, mắm phủ kín con tàu. Ngụy trang vừa xong, một máy bay trinh sát xuất hiện quần đảo nhưng phút chốc vọt thẳng. Ngay sau đó, tàu bắt được liên lạc với bến. 10 giờ sáng, đồng chí Năm Vận (Phạm Văn Kiết) – Bí thư Tỉnh ủy, Năm Trung (tức Đáng) – Phó Bí thư Tỉnh ủy ra tận tàu thăm hỏi. Anh em ôm nhau, trào nước mắt.
“Lúc 23 giờ ngày 31-12-1966, Hải quân của Việt Nam Cộng hòa đã bắn chìm 1 tàu của Bắc Việt chở vũ khí cho Việt Cộng ở phía Nam cửa Bồ Đề 20 hải lý”, ngày 1-1-1967, đài phát thanh của chính quyền Sài Gòn loan tin ầm ĩ. “Đó là một trận đánh phá vây đáng nhớ, khi tàu được lệnh từ Vàm Lũng – Cà Mau quay trở ra Bắc”, thuyền trưởng tàu 69 Nguyễn Hữu Phước trải những tấm hải đồ ông nâng niu cất giữ hàng chục năm qua, bồi hồi nhớ lại. Qua hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt với gần chục tàu và máy bay địch, ta diệt được 1 tàu, trở lại bến an toàn. 1 đồng chí hy sinh, 6 bị thương, 121 lỗ thủng trên thân tàu 69. Đảng viên dự bị Phan Hải Hồ bị thương gần đứt lìa bàn chân và yêu cầu y tá cắt đứt để tiếp tục chiến đấu và được chuyển Đảng chính thức ngay trên tàu...
Từ năm 1963 đến năm 1967, tàu 69 đã thực hiện trót lọt 8 chuyến cùng hàng trăm tấn vũ khí và cán bộ tăng cường cho miền Nam (ông Bảy Thủ - Bộ trưởng Y tế Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, ông Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Thiện Thành, bà bảy Vân - vợ cố Tổng bí thư Lê Duẩn…). Con tàu thân yêu hiện nằm ở Rạch Già xã Nguyễn Quân (Ngọc Hiển – Cà Mau) là chứng tích cho một thời oanh liệt.
* * *
Đó là ký ức khắc sâu trong tâm trí ông Nguyễn Hữu Phước. “Tôi về tàu 69 từ tháng 12-1962. Đoàn 759 lúc bấy giờ có 9 chi bộ gồm 3 chi bộ trên bờ và 6 chi bộ tàu. Tàu do tôi làm thuyền trưởng là tàu số 6 và chi bộ số 9 nên lấy phiên hiệu là tàu 69”, tiếp tục nhìn hai tấm hải đồ, ông bồi hồi nhớ lại.
Chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục giữ cương vị Tham mưu trưởng Trung đoàn 962 (Quân khu 9) vận chuyển cho chiến trường Campuchia. Từ khi ra quân (năm 1978) đến nay, người đảng viên 60 tuổi Đảng Nguyễn Hữu Phước vẫn miệt mài đóng góp cho địa phương.
Căn nhà nhỏ trong hẻm Đoàn Thị Điểm (Ninh Kiều - Cần Thơ) đã vắng hình bóng người vợ tảo tần, mấy năm nay ông vui thú với đứa cháu nội. Người con trai duy nhất của ông, Nguyễn Nam Hải, hiện là Phó Giám đốc – Bí thư Đảng ủy Công ty Dịch vụ bảo vệ Lâm Hoàng. Vợ anh là thiếu tá công an.
Đã 79 tuổi mà ông Năm Phước vẫn khỏe lắm, giọng sang sảng, trí nhớ minh mẫn. Ông nói, tháng 10-2011 kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ được tổ chức hoành tráng tại Hải Phòng với ba đầu cầu truyền hình. “Ngoài đó điện vô báo, nhân dịp này tập thể tàu 69 sẽ được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”. Tổ quốc không bao giờ quên những người con ưu tú của mình. Và những người lính tự nguyện dâng hiến hết tuổi thanh xuân cho dân tộc luôn tự hào về những năm tháng hào hùng đó.
“Đường 559 trên bộ, đường 759 trên biển là những con đường huyền thoại trong chiến tranh giữ nước, góp phần cùng nhân dân cả nước tạo nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Trên biển Đông, sóng gió lúc tan, lúc tụ nhưng luôn là máu thịt của ta, thời nào cũng vậy”, người lính già đầu bạc Nguyễn Hữu Phước nói chắc nịch.
Chiều 6-10, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ xuất quân “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” tại bến K20, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hành trình diễn ra trong 18 ngày, kết thúc vào ngày 22-10 tại Lữ đoàn 125 hải quân, cảng Cát Lái, TPHCM. Hoạt động này có 160 bạn trực tiếp tham gia học kỳ trên biển. Nhân dịp này, Thành đoàn Hải Phòng trao tặng 1 ngôi nhà đền ơn đáp nghĩa và 4 sổ tiết kiệm cho 5 gia đình cựu quân nhân đã tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Vũ Thống Nhất
Thông tin liên quan |