Công an TPHCM: Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về phòng cháy chữa cháy

Ngày 11-5, Công an TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) trên địa bàn TPHCM.
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã nêu ý kiến về những vướng mắc và đề xuất tháo gỡ trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về PCCC; nội dung khó khăn, vướng mắc và đề xuất tháo gỡ trong Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD và tiêu chuẩn về PCCC; các doanh nghiệp và người dân thuê mặt bằng hoạt động ở các công trình hiện hữu để đầu tư xây dựng, trang bị lắp đặt hệ thống PCCC cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, các doanh nghiệp thuê mặt bằng ở các tòa nhà hiện hữu trước đây đã được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC, để phù hợp với yêu cầu hoạt động thì cơ sở phải cải tạo, sửa chữa, theo quy định của pháp luật phải thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu lại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, điều này rất khó thực hiện vì kinh phí lớn hoặc khó tìm được phương án khả thi.

Một doanh nghiệp nêu ý kiến vướng mắc về PCCC

Một doanh nghiệp nêu ý kiến vướng mắc về PCCC

Nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các công trình có sẵn (như nhà xưởng, kho bãi, nhà dân....), để đảm bảo các yêu cầu về PCCC ngoài việc đầu tư kinh phí lớn còn vấp phải nhiều trở ngại như: phải cải tạo ảnh hưởng đến kết cấu công trình (đơn vị cho thuê thường không đồng thuận); xin phép cơ quan quản lý xây dựng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng...

Tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát PCCC-CNCH (C07, Bộ Công an), Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM, Phòng PCCC-CNCH (PC07, Công an TPHCM) giải đáp các thắc mắc kiến nghị, hướng dẫn các doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng PC07 cho biết, đến nay lực lượng chức năng đã hướng dẫn cho 869 cơ sở trên địa bàn. Phòng PC07 đã tổ chức kiểm tra và phục hồi hoạt động cho 363 cơ sở, đang khắc phục vi phạm 486 cơ sở. Ngoài ra, có 219 cơ sở đã cam kết thực hiện nhưng chưa khắc phục được và 124 cơ sở không có khả năng khắc phục.

Đại diện Cục C07 trả lời các ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp

Đại diện Cục C07 trả lời các ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp

Đại tá Huỳnh Quang Tâm chia sẻ, TPHCM cũng đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2020 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của PCCC theo hướng: Giảm đối tượng thực hiện thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC với các nhà, công trình hiện hữu đang hoạt động, theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm hướng dẫn của cơ quan quản lý PCCC địa phương; tăng cường phân cấp công tác giải quyết thủ tục hành chính về PCCC từ Cục C07, Công an cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp quy mô quản lý cơ sở; ban hành quy định cụ thể, hướng dẫn về điều kiện và trang bị phương tiện PCCC cho nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất…

Phát biểu kết luận, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu Phòng PC07 phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu thống nhất để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Với các thắc mắc, vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp về thủ tục PCCC, bên cạnh đường dây nóng là 0693.187.183 hoặc 0789.258.114 (ngoài giờ hành chính), có thể liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ tại trụ sở Phòng PC07 số 258 đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM. Đồng thời, thứ 5 hàng tuần Công an TPHCM sẽ tiếp người dân, doanh nghiệp ở TP để hướng dẫn một cách đầy đủ về các quy định liên quan đến PCCC.

Tin cùng chuyên mục