Theo dự thảo quyết định về việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý, các loại tiền thuế được xóa bao gồm: thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất... Tiền phạt bao gồm: tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Để đảm bảo công bằng và bình đẳng, đối tượng được xem xét xóa nợ thuế, tiền phạt cần được mở rộng và có thể áp dụng cho các DN thuộc thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh. Đối với các DN đã giải thể, các nghĩa vụ về tài sản của chính DN đó, trong đó có nghĩa vụ về thuế và tiền phạt cũng sẽ chấm dứt. Nếu không xóa nợ cho họ thì cũng không bao giờ thu hồi được.
Vấn đề đặt ra là, theo quy định của pháp luật, trước khi cơ quan có thẩm quyền thông báo xóa tên DN trong sổ đăng ký kinh doanh thì DN bị giải thể đã phải thực hiện xong các nghĩa vụ về tài sản, trong đó có nghĩa vụ về tiền thuế, tiền phạt. Như vậy, về nguyên tắc sẽ không có trường hợp DN bị giải thể nhưng vẫn còn nợ thuế, tiền phạt. Tuy nhiên, thực tế này vẫn tồn tại, vậy việc xác định trách nhiệm thuộc về ai cũng cần được làm rõ.
Ngoài ra, để việc áp dụng xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không tạo ra tư tưởng ỷ lại, chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ thuế ở các DN, nhà nước cần áp dụng các biện pháp đủ mạnh và cương quyết hơn đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ nộp thuế, nộp tiền phạt của tổ chức, cá nhân. Muốn vậy, trước hết cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo hướng đa dạng hóa các biện pháp chế tài và mức xử phạt phải thật sự đủ mạnh để nâng cao tính răn đe.
Việc Nhà nước dự kiến thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt đối với các đối tượng không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1-7-2007 là việc làm cần thiết để giảm nợ xấu và cơ cấu lại nợ. Tuy nhiên, để chủ trương đi vào cuộc sống và đảm bảo sự công bằng, các cơ quan chức năng nên cân nhắc kỹ và có cách triển khai hợp lý. Bởi nếu làm không khéo sẽ gây ra sự thiếu công bằng trong xã hội và tạo sự ỷ lại trong cộng đồng DN với suy nghĩ là nếu làm ăn yếu kém, kinh doanh thua lỗ thì cuối cùng vẫn được Nhà nước... cứu.
GIA ĐỊNH