(SGGP).- Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 12-4.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần triển khai Tháng hành động bằng những hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu bức thiết về thực phẩm sạch của người dân hiện nay. Trong đó, Hà Nội cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ ra bằng được những địa điểm, cá nhân, tổ chức, cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn để xử lý nghiêm minh và công khai để người dân biết và lựa chọn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của thành phố cũng phải cung cấp được cho người dân những địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn để tránh tình trạng người dân hoang mang không biết lựa chọn thực phẩm gì.
Bắt giữ một lô hàng thịt chưa qua kiểm dịch
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Trong Tháng hành động này, Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội tổ chức 6 đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, nhất là tại các chợ đầu mối, nơi cung ứng rau, thịt, nông sản. Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của thành phố phải đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn và đích thân Phó Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và Phó Chủ tịch các xã, phường phải đến tận nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm để kiểm tra, giám sát. Ước tính toàn thành phố có 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cũng nhân dịp này, Hà Nội đã tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Năm cao điểm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, phụ gia ngoài danh mục cho phép.
* Ngày 12-4, diễn đàn quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi do Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia tổ chức tại Bình Dương thu hút nhiều nhà chăn nuôi, công ty chế biến thức ăn 8 tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL, cùng các ngành của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương tham gia.
Thời gian qua, việc sử dụng chất cấm và lạm dụng thuốc kháng sinh, an thần trong chăn nuôi và giết mổ; dùng chất tạo màu vàng ô (Auramine) trong công nghiệp nhuộm chế biến thực phẩm (măng, cải chua, ruốc…); dùng acid pha loãng làm giấm thực phẩm… đã gây nhiều lo ngại trong xã hội. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, giải pháp thời gian qua là rà soát lại các quy định của nhà nước, kiểm tra đột xuất, kết hợp chặt với công an (C49), đồng thời tuyên truyền có trọng điểm, công bố thông tin những nơi vi phạm; khoanh vùng, xác định đối tượng sử dụng. Vì vậy, chưa đến 6 tháng đã cơ bản giải quyết căn bản về chất cấm trong chăn nuôi.
Nhưng theo các ngành chức năng, mối lo hiện nay lại là việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Y tế, và 63 tỉnh, TP trong việc phối hợp chặt và quy trách nhiệm cụ thể, đồng thời phải có công cụ và phương tiện khi hoạt động như phương tiện kiểm định nhanh.
Theo Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia, bên cạnh việc phòng chống, vấn đề xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, không sử dụng chất cấm hay lạm dụng chất kháng sinh là điều quan trọng.
NGUYỄN QUỐC - CÔNG PHIÊN