Giới thiệu một cuốn sách đến độc giả, trước hết phải bảo đảm tính trung thực, đúng mực, rồi sau đó mới nói đến chuyện làm cho hay để giúp người ta háo hức tìm đọc. Tiếc là ngay vế đầu đã bị không ít người trong làng sách Việt phá hỏng.
Giới thiệu tập phóng sự, ký sự Kimono trong rừng thẳm (Nguyễn Huy Minh, NXB Văn hóa - Thông tin, 10-2010), nhà báo Nguyễn Như Phong tận dụng triệt để cơ hội để khoe: “Trời ạ! Vậy là sau hơn 15 năm kể từ ngày tôi là thằng nhà báo đầu tiên trong làng báo Việt Nam đặt chân đến vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, thuộc địa phận xã Xín Thầu, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (nay là xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) thì mới lại có thêm Huy Minh, một anh chàng phóng viên vừa mới ra trường đến được nơi thâm sơn cùng cốc này”. Rồi ông kể một lô một lốc những khó khăn gian khổ mà mình đã trải qua trong chuyến đi 15 năm trước…
Đọc tập phóng sự Nhà ngoại cảm - Tiếng vọng từ những linh hồn (NXB Hội nhà văn, 2011), nhà văn Sương Nguyệt Minh “thổi”: “Lội xuôi ngược và ngụp lặn vào dòng sông tâm linh, tình cảm chân thực dào dạt chảy, thấm đẫm cùng hồn chữ là điều không mấy người viết làm nổi, nhưng Hoàng Anh Sướng làm điều này dung dị, nhẹ tênh. Bởi trái tim anh, tấm lòng anh luôn rung cảm cùng những số phận con người mà hồn một nơi bơ vơ phiêu dạt, xác một nẻo nơi đầu non cuối ngàn, để rồi cất lên tiếng nói số phận và để tự mỗi bạn đọc ngẫm nghĩ đằng sau số phận người”.
Một công thức cũng được nhiều người “thổi” sách tận dụng là: “Nếu bạn làm nghề A. thì không thể không đọc cuốn sách B.” và ra chiều bí hiểm rằng sách có tất tần tật những chuyện tinh túy của nghề, đọc hết sách là giỏi nghề. Trong khi một vài trích dẫn đắt giá để độc giả thấy mà tin thì người ta lại không làm.
Hay “trong Làm sếp không chỉ là nghệ thuật (NXB Lao động Xã hội, 12-2012), với đầy ắp những thủ thuật tâm lý được trình bày tỉ mỉ mà bạn có thể áp dụng với bất cứ ai hay bất kỳ tình huống nào, tiến sĩ David Lieberman trao cho bạn khả năng giành được những gì bạn muốn bất cứ khi nào bạn cần. Không chỉ là các chiến lược hay nguyên tắc, trong cuốn sách này còn có rất nhiều giải pháp cho những vấn đề kinh doanh của bạn. Và bạn sẽ được trang bị những công cụ tối ưu để điều hành doanh nghiệp của mình” (lời giới thiệu của đơn vị liên kết xuất bản - Công ty sách Thái Hà).
Chiêu lập lờ này còn được người ta dùng kiểu khác nữa. Đó là ở băng giấy kẹp ngoài cuốn sách, được các đơn vị làm sách ghi cụm từ đoạt giải này, giải nọ. Ví như Gabriel García Márquez đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, với tác phẩm Trăm năm cô đơn chứ không phải cuốn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Sách của tác giả đoạt giải Nobel văn chương chứ không phải cuốn sách đang bày trên kệ đoạt giải ấy. Thế là rất nhiều người đã bị lừa.
Không chỉ “thổi” bằng những lời giới thiệu, nhiều đơn vị xuất bản còn “nổ” bằng chiêu sách bán chạy. Hôm trước ghé vào một hiệu sách cũ, chúng tôi choáng váng khi thấy cuốn sách Phương pháp học đàn organ măng non (Nguyễn Hạnh, NXB Thanh Niên) trưng ngay ra bìa một cái triện tròn ghi bằng tiếng Anh rằng sách bán chạy nhất thế giới. Nực cười là chữ international lại bị in sai thành internatonal. Còn bìa cuốn sách Ngược chiều vun vút (Joe Ruelle, NXB Hội Nhà văn) lại được một đạo diễn tôn là: “Một chàng Tây viết hay hơn ta”. Khen nhau đến thế thì đúng là hết nước hết cái. Bởi học cả đời chắc gì đã sử dụng tốt một ngôn ngữ, nói gì đến việc tác giả mới học được mấy năm tiếng Việt mà bảo viết hay hơn cả người bản xứ.
Còn rất nhiều chiêu trò nữa của những người làm nghề giới thiệu sách, của giới làm sách để góp phần “thổi” một cuốn sách lên tận mây xanh. Những hành động nhắm mắt mà khen ấy góp một phần đắc lực vào việc làm bát nháo thị trường sách Việt trong thời gian qua. Tất nhiên, không đơn vị quản lý nào cấm được việc này nếu họ không biết xấu hổ. Và về phía độc giả, tốt nhất là hãy biết tự bảo vệ lấy túi tiền của mình và để tránh ăn quả đắng.
Nhà văn Bùi Anh Tấn tâm sự: “Có những truyện in nơi này chẳng ai đọc nhưng tái bản nơi kia thiên hạ khen rần trời, dù truyện viết thường thường bậc trung. Và thẳng thắn mà nói, có những truyện không hấp dẫn nhưng tác giả khéo tô vẽ, làm PR ầm ĩ và người mua cũng ầm ĩ. Thế nên việc PR cho tác phẩm rất quan trọng. Số lượng bản in nhiều hay ít của một tác phẩm không đồng nhất với chất lượng của tác phẩm. Đó có thể là nhờ chiêu trò của nhà phát hành và của truyền thông lẫn tác giả bày ra. Có những truyện người ta mua vì tên tác giả, vì thói quen dù sau khi đọc đều thấy... không hay nhưng ngại không nói. Hiện tượng mua sách theo phong trào, mua vì thấy báo chí, mạng làm ầm ĩ, mua vì... đủ thứ lý do, nhiều lắm. Văn chương vàng thau lẫn lộn, thật giả không biết đâu mà lường. Vậy lời khuyên nào cho bạn chọn sách? Đừng vì tên tác giả, cũng đừng vì NXB đứng tên in, đừng vì gì hết... Trước hết hãy theo dõi thông tin từ báo chí, bạn bè đã đọc cho lời nhận xét và sau đó chính bạn hãy đọc lướt qua trước tác phẩm ấy kiểm chứng hay dở rồi hãy mua, kẻo bị lầm lẫn”.
BẰNG VÂN