Trong chuyến công tác đến phường Hiệp Thành (quận 12, TPHCM), chúng tôi ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về sự đồng hành giúp người cơ nhỡ của Ban giảm nghèo, tăng hộ khá phường. Ở đây tinh thần trách nhiệm và cái tâm của những “công bộc” biết xem niềm vui của người nghèo như niềm vui của chính mình…
Trường hợp gia đình của cụ bà Đỗ Thị Thái là một ví dụ điển hình. Hầu như mọi người dân tổ 23, khu phố 2 phường Hiệp Thành đều biết hoàn cảnh éo le của gia đình cụ Thái. Cuối năm 2011 trở về trước, lúc chưa bị tai biến gây nên chứng mất trí nhớ và liệt nửa người, chị Đỗ Thị Nguyệt (con gái cụ Thái) rong ruổi khắp các nẻo đường bán hàng kiếm vài chục ngàn mỗi ngày đổi gạo nuôi mẹ già quanh năm đau yếu và 2 đứa con nhỏ. Cả gia đình 4 người sống chen nhau trong căn nhà cấp 4 chật chội, xuống cấp trầm trọng với cuộc sống thì quanh năm bần hàn, túng thiếu.
Ghi nhận tình hình thực tế từ khu phố, tổ dân phố, UBND phường cùng Ban giảm nghèo tăng hộ khá đã triển khai các biện pháp giúp đỡ gia đình cụ Thái vượt qua khốn khó bằng nhiều việc làm thiết thực, như làm thủ tục trợ cấp theo diện khó khăn; vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân, chi bộ cơ quan, chi hội phụ nữ, các đoàn thể hỗ trợ tiền, hiện vật đảm bảo cho gia đình có đủ mức sống tối thiểu hàng tháng suốt nhiều năm liền. Không những vậy, căn nhà xập xệ của cụ Thái cũng đã được nâng cấp, sửa sang từ nguồn kinh phí vận động của địa phương và các nhà hảo tâm.
Tháng 1-2012, chị Nguyệt bị đột quỵ. Mặc dù lúc đó vào thời điểm cuối năm, việc cơ quan, việc nhà bộn bề, nhưng khi hay tin, chị Nguyễn Thị Bưởi, cán bộ chuyên trách Ban giảm nghèo tăng hộ khá đã xuống tận nơi nhanh chóng gọi xe đưa người bị nạn đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Người dân, các y bác sĩ có mặt lúc đó đã rất cảm động khi chứng kiến chị Bưởi tất bật liên hệ các cơ quan chức năng làm “cấp tốc” bảo hiểm y tế để chị Nguyệt được hưởng chế độ điều trị theo quy định và bỏ tiền túi lo thủ tục nhập viện cùng các chi phí phát sinh khác như lo cho người thân trong nhà. Không những vậy, Ban giảm nghèo tăng hộ khá phường Hiệp Thành lại đóng vai trò làm nhịp cầu kết nối những trái tim nhân ái, đứng ra kêu gọi sự bảo bọc của xã hội dành cho chị Nguyệt với số tiền ủng hộ hàng chục triệu đồng.
Một ngày nắng rát da cuối tháng 4, khi chúng tôi tìm đến nhà mẹ con cụ Thái để trao số tiền gần 16 triệu đồng bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng đóng góp, trên đường đi, chị Bưởi và chị Trần Thị Kim Chi, Trưởng ban điều hành khu phố 2, vui vẻ kể rằng, suốt thời gian chị Nguyệt nằm viện, các chị một mặt thường xuyên đến thăm cụ Thái, mặt khác vận động người dân xung quanh giúp nấu cơm, quét dọn, theo dõi việc học hành các cháu nhỏ. Đến nơi, nghe các chị cho biết gia đình nhận được sự giúp đỡ của độc giả Báo SGGP, nét mặt cụ Thái rạng lên niềm vui, giọng run run, khàn khàn: “Cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người dành cho mẹ con, bà cháu tôi”.
Trở lại ủy ban phường, trao đổi về chuyện giúp người nghèo, người bất hạnh vượt qua nghịch cảnh, Phó Chủ tịch phường Hiệp Thành Đỗ Hữu Thảo Thư cho biết, không chỉ riêng gia đình cụ Thái mà đối với 20 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện tại trên địa bàn cũng đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên, liên tục như trợ vốn, chăm lo các ngày lễ tết, tặng học bổng cho gia đình có con em vượt khó học giỏi.
Đơn cử như gia đình ông bà Lê Văn Tắc, ngụ tại khu phố 4. Cảm thương đôi vợ chồng già nua sống trong tình cảnh nghèo khó, neo đơn không con cháu, nhà cửa dột nát, ẩm thấp, Ban giảm nghèo tăng hộ khá cùng các đoàn thể phường đã quyên góp kinh phí sửa chữa nhà, gắn đồng hồ điện, tặng vật dụng gia đình cùng các khoản tiền trợ cấp hàng tháng giúp ông bà có chút niềm an ủi, động viên khi tuổi già, sức yếu.
Phó Chủ tịch phường Đỗ Hữu Thảo Thư cũng chia sẻ rằng, một trong cách thức tạo nguồn kinh phí chăm lo cho người nghèo đã được triển khai rộng rãi với hiệu quả cao và sức lan tỏa nhanh là việc vận động tất cả đảng viên trong 16 chi bộ phường đóng góp mỗi người tối thiểu 10.000 đồng/tháng. Với cách làm này, trong năm 2011, phường đã thu được trên 80 triệu đồng để chăm lo cho các hộ đặc biệt khó khăn. Đối với các hộ gia đình vay vốn làm ăn vì quá khó khăn chưa thể trả nợ đúng hạn, ban giảm nghèo đứng ra vận động các nguồn kinh phí giúp xóa nợ, đồng thời tiếp tục trợ vốn giúp họ có nguồn động lực quyết tâm làm ăn thoát nghèo.
Với cách làm thấm đậm tình người này, suốt nhiều năm qua, phường Hiệp Thành hầu như không có tình trạng nợ quá hạn, nợ khó đòi và không thất thoát vốn vay. “Trong quý 1 chúng tôi đã giúp các hộ nghèo vay vốn làm ăn với số tiền hơn 200 triệu đồng và cố gắng phấn đấu trong năm 2012 sẽ đạt tiêu chuẩn phường cơ bản không còn hộ nghèo có mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/người/năm” - Phó Chủ tịch phường Đỗ Hữu Thảo Thư khẳng định trước khi chia tay chúng tôi.
MAI NGUYỄN