Công tác thi đua - khen thưởng gắn với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Ngày 10-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 29 của hội đồng nhằm kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.

(SGGP). – Ngày 10-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 29 của hội đồng nhằm kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.

Báo cáo của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009, ban đã thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng và Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng: 5 Huân chương Sao Vàng, 25 Huân chương Hồ Chí Minh, 1.087 Huân chương Độc lập, 11 Anh hùng Lao động, 29 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 176 Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Công tác thi đua - khen thưởng trong 6 tháng đầu năm 2009 đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, ngày càng xuất hiện nhiều phong trào tốt, điển hình tiên tiến mới.

Cũng trong thời gian này, các bộ, ngành và địa phương đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Đoàn TNCSHCM phát động phong trào “Tuổi trẻ hành động vì an sinh xã hội”; Bộ Quốc phòng mở đợt thi đua cao điểm “Sáng mãi Điện Biên”, chương trình “Vinh quang Việt Nam”; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng biểu dương 10 công dân tiêu biểu có thành tích trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai chương trình tuyên truyền “Những điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thời gian qua đã có nhiều phong trào tốt, điển hình tốt song cần phải được duy trì thường xuyên, khen thưởng cần kịp thời, đúng người, đúng việc, triển khai sâu rộng hơn phong trào thi đua khen thưởng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công nhân, nông dân. Việc khen thưởng phải thực chất hơn, những tổ chức, cá nhân được khen thưởng phải thực sự là tấm gương tiêu biểu, có sức lan tỏa trong xã hội, nhất là phải chú ý đến những người lao động, công nhân, nông dân. Tránh thi đua, khen thưởng mang tính hình thức.  

TR. BÌNH

Tin cùng chuyên mục