Sau nhiều năm thi công èo uột, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết được việc ngăn lũ, triều cường như mục tiêu của dự án đề ra.
Vùng đất “chết” hồi sinh
Công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn gồm 2 tiểu dự án: Nam Rạch Tra và Bắc Rạch Tra do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM) làm chủ đầu tư.
Tiểu dự án Nam Rạch Tra bắt đầu từ rạch Vàm Thuật, quận 12 kéo dài đến tỉnh lộ 8 huyện Củ Chi có tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng, bao gồm ngân sách thành phố hơn 223 tỷ đồng và trung ương (vốn ODA thông qua cơ quan Phát triển Pháp - AFD) gần 230 tỷ đồng.
Công trình có tác dụng ngăn lũ, triều cường chống úng ngập khu vực dự án có diện tích tự nhiên 3.560 ha. Chủ động tưới tiêu, xổ phèn cải tạo đất nông nghiệp gồm rau màu, mía và vườn cây ăn trái với diện tích 2.550 ha. Ngăn nước ô nhiễm, ngăn mặn từ sông rạch phía Nam xâm nhập, cải thiện môi sinh, môi trường khu vực dự án. Kết hợp xây dựng các tuyến giao thông để phát triển khu kinh tế vườn, khu du lịch sinh thái tại các quận Gò Vấp, 12 và huyện Hóc Môn.
Hiện nay, tiểu dự án Nam Rạch Tra đã thực hiện trên 90% khối lượng công việc, trong đó 206 cống điều tiết nước đã xây dựng xong, 56,7/64,8km đường đê bao dọc sông Sài Gòn cũng đã cơ bản hoàn thành. Riêng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn dài 7km từ cầu Bình Phước đến cầu Rạch Quản đã thực sự có tác dụng ngăn lũ và triều cường trong những năm qua.
Người dân phường Thới An, Thạnh Xuân, Thạnh Lộc quận 12 không còn lo ngập nước như trước đây và có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. 10% khối lượng công việc còn lại của Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn Nam Rạch Tra đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ với quyết tâm cao.
Ông Bùi Thế Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, cho biết, tiểu dự án Nam Rạch Tra hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho tiểu dự án Bắc Rạch Tra nối tiếp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Có hết ngập?
Mặc dù tuyến đê bao đã thành hình hài nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác và vận hành một cách khép kín. Vì trên suốt tuyến này vẫn còn một số gói thầu đang vướng mặt bằng không thể thi công được. Đơn cử, tại khu vực phía sau Công ty TNHH Saigon VeWong thuộc phường An Phú Đông, quận 12, một đoạn bờ bao chống triều kết hợp đường giao thông nông thôn dài 800m thông ra cầu vượt Bình Phước 1 về phía hạ lưu sông Sài Gòn, chưa thể thi công do vướng phần đất của Công ty TNHH Saigon VeWong chưa giải tỏa được.
Tương tự, tại công trình thi công gói thầu 4B2 ở khu vực Miếu Bà Chúa Xứ thuộc khu phố 4, phường Thạnh Xuân, quận 12 vẫn đang ngổn ngang và thi công cầm chừng. Ông Lâm Văn Xưng, ngụ số 175A, tổ 49, Khu phố 4, phường Thạnh Xuân bức xúc: “Công trình thi công kiểu gì, cứ 1 ngày làm 10 ngày nghỉ nên mấy năm nay vẫn không xong. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công dùng xe ủi đất bít luôn cả lối thoát nước từ trong nhà ra sông khiến mưa xuống là ngập lênh láng cả khu phố”.
Như vậy, từ nay đến cuối năm còn rất nhiều đợt triều cường cùng với thời tiết thất thường, nếu không hoàn thành đoạn đê bao và các công trình dưới đê (từ cầu Bình Phước đến rạch Láng Le) thì người dân còn ta thán.
Ông Bùi Thế Hải, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình, cho rằng khó khăn nhất hiện nay thuộc gói thầu số 1A còn một đoạn đê bao chưa bàn giao mặt bằng nên không thể thi công đường đê nối liền với đoạn đê ở cầu Bình Phước. Hiện nay chủ dự án đang phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 12 xúc tiến lập hồ sơ bồi thường để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Sau khi kiểm tra thực địa dọc tuyến bờ bao bờ hữu sông Sài Gòn, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TP, đề nghị đơn vị thi công dự án trước mắt phải ủi phần đất đã chặn dòng thoát nước từ nhà dân ra sông để hạn chế ngập khi có mưa lớn hay triều cường. Nhanh chóng chuẩn hóa hồ sơ các đơn vị, doanh nghiệp có đất nằm trong dự án để tiến hành bồi thường theo luật hiện hành, tránh để tình trạng doanh nghiệp cố tình kéo dài.
Riêng việc lắp đặt hệ thống cống bọng thoát nước theo yêu cầu của người dân, UBND quận 12 và UBND phường Thạnh Xuân thống nhất phương án, đồng thời họp dân giải thích cho dân biết rõ phương án thiết kế của dự án để có sự chia sẻ với nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
* Theo Ban Quản lý dự án xây dựng bờ hữu sông Sài Gòn, theo thiết kế của dự án khu vực quận 12 có 100 cống bọng của người dân kết nối ra bờ đê theo đường xương cá rồi dẫn ra cống xả chính. Tuy nhiên, hiện nay do một số người dân muốn đấu nối hệ thống cống bọng bằng nhựa từ trong nhà xả trực tiếp ra sông chứ không chấp nhận theo phương án thiết kế ban đầu của dự án. Vì thế, đơn vị thi công chưa thể triển khai thi công để hoàn chỉnh công trình bởi sẽ ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật, chất lượng công trình cũng như vấn đề quản lý vận hành dự án sau này. |
Quốc Hùng - Đình Lý