Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết: Nhiều sai phạm dẫn đến thua lỗ kéo dài

“Quá trình hoạt động đã phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ, có nhiều thiếu sót, sai phạm trong quản lý khiến hoạt động của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết bị trì trệ, kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ liên tục trong nhiều năm” – Thanh tra TPHCM đã kết luận như trên sau khi thanh tra toàn diện giai đoạn hoạt động từ năm 2005 đến năm 2008 tại đơn vị này.
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết: Nhiều sai phạm dẫn đến thua lỗ kéo dài

“Quá trình hoạt động đã phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ, có nhiều thiếu sót, sai phạm trong quản lý khiến hoạt động của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết bị trì trệ, kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ liên tục trong nhiều năm” – Thanh tra TPHCM đã kết luận như trên sau khi thanh tra toàn diện giai đoạn hoạt động từ năm 2005 đến năm 2008 tại đơn vị này.

  • Tìm mọi cách giấu lỗ

Trong 4 năm 2005 – 2008, nội bộ Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (viết tắt Công ty CP BBT, trụ sở tại 550 Âu Cơ phường 10 quận Tân Bình) thường xuyên xảy ra xung đột, mâu thuẫn trong công tác quản lý, điều hành khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không hiệu quả.

Trong một thời gian dài, có nhiều sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết.

Trong một thời gian dài, có nhiều sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết.

Dù các công ty kiểm toán đã chỉ ra các yếu tố loại trừ mang tính trọng yếu nhưng lãnh đạo công ty không thực hiện điều chỉnh và tiếp tục để những sai phạm này (hạch toán chi phí không đúng, ghi nhận doanh thu khống, công nợ khống…) diễn ra vào các năm tiếp theo. Không chỉ vậy, lãnh đạo công ty còn chỉ đạo chỉnh sửa hồ sơ, sổ sách để chứng minh rằng hoạt động kinh doanh của công ty có lãi.

Chẳng hạn, máy bông vệ sinh TIMTEX mua đã lâu nhưng giữa năm 2007, nguyên Tổng Giám đốc Tạ Xuân Thọ vẫn chỉ đạo giám đốc sản xuất, kế toán trưởng ghi nhận chi phí lắp đặt, chạy thử máy vào nguyên giá tài sản cố định nhằm hạ giá thành sản phẩm, tạo khoản lãi giả cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tương tự, ông Thọ chỉ đạo điều chỉnh hồ sơ, chứng từ để ghi nhận thu nhập từ thanh lý tài sản nhà xưởng 16/2 Âu Cơ từ thời điểm tháng 1-2008 sang niên độ kế toán năm 2007 để hạch toán thu nhập vào năm 2007, đảm bảo hoạt động kinh doanh năm 2007 có lãi.

Ngoài ra, công ty còn cố ý cung cấp không đúng số liệu thực tế, thể hiện qua các bản xác nhận công nợ giữa công ty với khách hàng có những số liệu khác nhau trong cùng thời điểm. Theo nhận xét của một đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính công ty, điều này cho thấy có sự gian lận với sự đồng thuận giữa Công ty CP BBT và khách hàng. Làm việc với đoàn thanh tra, các nguyên tổng giám đốc, nguyên kế toán trưởng công ty qua các thời kỳ thừa nhận đã chỉ đạo và thực hiện điều chỉnh các bút toán với mục đích báo cáo tài chính có lãi để có thể phát hành thêm cổ phiếu.

  • Tài chính thiếu minh bạch 

Quá trình thanh tra cũng phát hiện Công ty CP BBT có nhiều sai phạm nghiêm trọng về tài chính, kế toán. Cụ thể, công ty xuất bán phế liệu trong các năm 2006 – 2008 với tổng giá trị 490 triệu đồng nhưng không xuất hóa đơn tài chính; năm 2008 công ty chi nhiều khoản không có hóa đơn chứng từ tổng cộng 217 triệu đồng. Cũng trong năm 2008, các khoản chi tiếp khách, hội họp, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi lên đến 6,09% so với tổng chi phí trong năm, trong khi theo Quy chế tài chính của công ty là không quá 5%.

Ngoài ra, việc chi trả lương cho tổng giám đốc cũng vượt quá hạn mức trong lúc công ty đang thua lỗ; kết quả kiểm tra từ năm 2006 – 2008 cho thấy, mức lương công ty trả lương từ 18 đến 24 triệu đồng/tháng, dù theo quy định chỉ 10 triệu đồng/tháng.

Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Công ty CP BBT trở thành “bầu sữa ngọt” cho sự lãng phí và hưởng lợi của cá nhân. Chẳng hạn như dự án Bệnh viện Bạch Tuyết, sau 8 tháng triển khai, tuy chưa thực hiện được công tác cơ bản nào nhưng Ban quản lý dự án đã chi 464 triệu đồng. Trong đó có đến hơn 355 triệu đồng chi tiếp khách và chi phí cho Ban quản lý dự án! Hay trong việc thanh lý tài sản nhà xưởng 16/2 Âu Cơ, sau khi thu 1,85 tỷ đồng tiền bán tài sản thanh lý, nguyên giám đốc hành chính Đào Đức Diễn chỉ nộp vào công ty 1,1 tỷ đồng. Phần còn lại ông Diễn tự ý sử dụng mua mảnh đất diện tích 216m2 tại phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân. Chỉ đến khi sự việc bị phát hiện, ông mới nộp lại 750 triệu đồng cho công ty.

Bên cạnh đó, Công ty CP BBT không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước tại thời điểm cổ phần hóa. Trong các năm 1998 – 2003, công ty kinh doanh có lãi, đã thanh toán cổ tức đầy đủ cho các cổ đông khác nhưng lại không thanh toán dứt điểm khoản cổ tức phát sinh của cổ đông Nhà nước. Đến thời điểm 31-12-2008, công ty nợ tồn đọng tiền bán phần vốn Nhà nước, nợ cổ tức giai đoạn 2000 – 2003, nợ lãi phạt tổng cộng hơn 5,2 tỷ đồng. Theo nhận định tại kết luận thanh tra, đây là biểu hiện sự chiếm dụng vốn Nhà nước.

ÁI CHÂN

Kết luận chỉ đạo về những sai phạm đã xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín yêu cầu Công ty CP BBT xem xét xử lý hành vi sai trái của nguyên tổng giám đốc công ty; kiểm kê đánh giá lại toàn bộ hồ sơ tài liệu, công nợ, nguyên vật liệu, thành phẩm, máy móc thiết bị… để báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước và đề xuất hướng xử lý; thực hiện đầy đủ các khoản phải nộp đối với ngân sách nhà nước…

Lãnh đạo UBND TP cũng giao Tổng Công ty Dệt may Gia Định kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty CP BBT đã không thực hiện tốt trách nhiệm trong việc báo cáo với đơn vị chủ quản về quá trình hoạt động của công ty.

Tin cùng chuyên mục